Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

08:48 - Thứ Tư, 05/10/2022 Lượt xem: 9394 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục, như tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học...

Một giờ học của cô trò Trường THCS Pom Lót (huyện Điện Biên).

Với nhiệm vụ là cơ quan thường trực chủ trì, định kì báo cáo, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 1960 triển khai Đề án đến các cơ sở giáo dục trong tỉnh; hướng dẫn các sở, ban ngành, đoàn thể, cơ sở giáo dục triển khai và báo cáo kết quả thực hiện đề án theo chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của mỗi đơn vị. Sau 4 năm thực hiện đề án, nhiều nhóm giải pháp thiết thực, đồng bộ đã được triển khai; trong đó, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Các trường học đã tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, biện pháp, trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Nhiều cơ sở giáo dục đã đưa ra nhiều hình thức giáo dục văn hóa ứng xử đa dạng thông qua các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại...

Nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong nhà trường đối với học sinh, Trường THCS Pom Lót (huyện Điện Biên) đã xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong môi trường học đường. Trong đó, quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử. Bộ quy tắc ứng xử được niêm yết tại các bảng tin, bảng thông báo, trang thông tin điện tử của trường. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động giáo dục, trải nghiệm thực tế; coi trọng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa. Cô giáo Trần Thị Bích Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hàng tháng, Trường tổ chức sinh hoạt chuyên đề vào tiết chào cờ đầu tuần liên quan đến văn hóa ứng xử. Tại buổi sinh hoạt, học sinh không chỉ được nghe tuyên truyền về văn hóa ứng xử trong trường học mà còn được nghe những câu chuyện ý nghĩa, những vở kịch hay, những vấn đề mang tính thời sự, chủ đề giáo dục truyền thống. Từ đó, các em rút ra nhiều bài học bổ ích về đạo đức và kỹ năng sống, có ý thức rèn luyện cách ứng xử ngày càng văn hóa hơn.

Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học, tại Trường THCS - THPT  Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa), nhiều giải pháp đã được triển khai để cụ thể hóa đề án. Trường thực hiện lồng ghép những buổi nói chuyện, tuyên truyền cho học sinh về đạo đức, lối sống thông qua hoạt động ngoại khóa; giáo dục học sinh biết sẻ chia, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, giáo viên phải là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Vì vậy, Trường thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ giáo viên năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm thông qua các chuyên đề. Tổ nhóm chuyên môn để xây dựng quan hệ giao tiếp có văn hóa, đúng mực, dân chủ và thân thiện và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm trong nhà trường. Cùng với đó, Trường xây dựng chế độ khen thưởng và kỷ luật hợp lý, công bằng sẽ động viên, kích thích được đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” đã đạt những kết quả tích cực. 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường; 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường... Công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giáo dục văn hóa ứng xử được chú trọng, góp phần nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.

Để công tác xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học thật sự có hiệu quả, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục duy trì, phát huy hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng văn hóa ứng xử. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và bảo đảm các thiết chế nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho học sinh, sinh viên.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top