Nhiều trường học khó duy trì, nâng chuẩn

08:18 - Thứ Tư, 12/10/2022 Lượt xem: 7405 In bài viết

ĐBP - Từ năm 2016 đến nay, số lượng trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học trên địa bàn tỉnh tăng từ 53,1% lên 73,9%, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu mới, việc duy trì và xây dựng trường chuẩn gặp không ít khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất.

Giờ học môn Âm nhạc của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng (huyện Tủa Chùa).

Đến hết năm 2021, Điện Biên có 347/464 trường học đạt chuẩn quốc gia. Việc xây dựng trường chuẩn đã tạo nhiều đổi thay tích cực cho công tác giáo dục và các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư cơ bản đầy đủ, hiện đại, đáp ứng ứng dạy và học. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên và các hoạt động giáo dục ngày càng nâng lên. Tỷ lệ huy động học sinh các độ tuổi đều tăng, trẻ từ 3 - dưới 36 tháng tuổi đến nhà trẻ tăng từ 22,3% lên 44,5%; trẻ 3 - 5 tuổi học mẫu giáo tăng từ 97,4 - 99,6%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 tăng từ 99,8 - 99,92%; tỷ lệ huy động dân số 11 - 14 tuổi học THCS tăng từ 94,8 - 97%... Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có một số trường đã hết thời gian công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng chưa được công nhận lại và 35 trường đang làm thủ tục công nhận lại nhưng cũng lường trước không ít khó khăn.

Vướng mắc chủ yếu mà các trường gặp phải là “non” tiêu chí về cơ sở vật chất. Hầu hết các trường không có quỹ đất mở rộng diện tích, được xây dựng từ nhiều năm trước, thiết kế cũ, một số hạng mục không có hoặc xuống cấp... Trường THCS Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2017. Hiện Trường đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị thẩm định công nhận lại chuẩn quốc gia vào tháng 11/2022. Năm học này, trường có 8 lớp với 274 học sinh, có 8 phòng học văn hóa, 6 phòng học bộ môn, 1 thư viện thiết bị, 1 phòng đọc... Dù cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học nhưng theo tiêu chuẩn vẫn chưa đảm bảo. Thầy Trương Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Tất cả phòng học của Trường không đủ diện tích theo tiêu chuẩn (45m2), diện tích phòng học hiện là 42m2. Tuy nhiên mỗi lớp chưa quá 45 học sinh nên vẫn đảm bảo không gian dạy và học”. Điều mà Trường lo lắng là hiện có học sinh một số bản trong xã đi học tại xã khác, vì không còn một số chế độ hỗ trợ học tập sau khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Sắp tới các xã lân cận cũng về đích nông thôn mới, các em bậc THCS trở lại học đúng địa bàn thì số học sinh tăng lên đáng kể. Trong khi đó, diện tích phòng học và cơ sở vật chất chưa được đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp sẽ khó cho việc đảm bảo dạy và học, duy trì trường chuẩn.

Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng (huyện Tủa Chùa) cũng gặp khó về cơ sở vật chất. Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có tổng diện tích 8.808m2, được đầu tư xây dựng từ những năm 1990. Năm học 2022 - 2023, Trường có 22 lớp với 634 học sinh. Đến nay, theo các tiêu chí mới và để đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện đại, các phòng học đều chật hẹp, không đảm bảo diện tích. Trường đã được công nhận và duy trì đạt chuẩn mức độ 2 từ năm 2020. Phấn đấu giữ vững đạt chuẩn khi thẩm định lại vào năm 2025. Để làm được điều đó, nâng cao tiêu chí còn yếu về cơ sở vật chất Trường mong muốn, kiến nghị được đầu tư sửa chữa, nâng cấp 20 phòng học và một số công trình phụ.

Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận: Những năm qua, cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô; thiết bị dạy học qua nhiều năm sử dụng đã hư hỏng. Một số cơ sở giáo dục có số học sinh bán trú lớn nhưng số phòng ở còn thiếu. Một số công trình phụ trợ như: Bếp nấu, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch còn thiếu và đã xuống cấp, gây khó khăn trong công tác giảng dạy, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh. Ngoài ra, nhiều trường đã được xây dựng từ lâu, theo nhiều chương trình dự án khác nhau nên các phòng học, phòng chức năng, các công trình phụ trợ... diện tích hẹp, do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 16/5/2020 của Bộ GD&ĐT, quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học các cấp và Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông. Quỹ đất của nhiều trường còn hạn hẹp, nên việc quy hoạch tổng thể để xây dựng cơ sở vật chất theo hướng kiên cố, đồng bộ và từng bước hiện đại gặp nhiều khó khăn.

Trước những thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục cùng các cơ quan liên quan cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, để duy trì và tiếp tục nâng cao các tiêu chí trường chuẩn quốc gia, cũng như đảm bảo tốt công tác dạy và học, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top