“Người lái đò” trên đỉnh Keo Lôm

07:34 - Thứ Bảy, 29/10/2022 Lượt xem: 8361 In bài viết

ĐBP - Chưa từng nghĩ có ngày sẽ theo học chuyên ngành Sư phạm, ấy thế mà cô Nguyễn Thị Hà lại bén duyên rồi gắn bó với sự nghiệp “trồng người” suốt 20 năm qua. Như người “đưa đò” thầm lặng, cô giáo Hà tận tâm, trách nhiệm chắp cánh cho những ước mơ của học trò bay cao, bay xa.

Cô Nguyễn Thị Hà hướng dẫn đội tuyển Văn ôn luyện học sinh giỏi.

“Đã là giáo viên vùng cao, thì có lẽ ai cũng phải trải qua những bất an, lo lắng, thất vọng. Tôi đã nhiều lần như thế. Vượt qua được rồi thì chẳng còn điều gì ngăn được hành trình gieo chữ!” - cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường PTDTBT THCS Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) trải lòng. Trong kí ức, cô Hà vẫn nhớ như in buổi chiều thu năm 2007, lần đầu với hành trình ngược núi để tới điểm bản nhận nhiệm vụ phổ cập. Nhớ lại những ngày tháng với bao khó khăn bủa vây.

Địa bàn vùng cao, mùa mưa đất dính vào bánh xe đặc quánh, đi không nổi phải dùng tay, cành cây rừng cào từng lớp đất để “giải phóng” bánh xe, rồi lại đi. Đôi tay của các cô giáo sau nhiều giờ phải gồng, ghì cũng trở nên tê dại. Trước con dốc cao, cua gấp, tay lái loạng choạng, cả người và xe rơi vào thế chông chênh bên bờ vực - cô Hà tâm sự.

Một lần khác, cũng đi bản dạy phổ cập, nhưng là xuống núi. Ngoài chặng đường hơn 10km băng rừng với dốc cao, vực sâu, điểm bản còn bị ngăn cách bởi con suối rộng vài chục mét. Vì là lần đầu chưa có kinh nghiệm, cô Hà liều mình lội qua suối mà không có bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào. Ra gần giữa dòng, nước cao ngang ngực, cô Hà trượt chân bị nước cuốn trôi một đoạn. May mắn có thầy giáo tiểu học cũng đang trên đường vào bản bắt gặp, cứu giúp nếu không sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy ra! Cô Hà kể ngày đó mỗi lần hoảng sợ cô chỉ biết gọi về cho bố. Những cuộc điện thoại chập chờn sóng, có cả nước mắt xen lẫn sự sợ hãi! Chính bố là người đã động viên, tiếp sức để cô nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, vươn mình trở thành một Nhà giáo ưu tú.

Những lứa học trò vùng cao thoát ly khỏi mảnh nương, ngọn núi để theo đuổi ước mơ là hạnh phúc lớn nhất đối với cô giáo Hà. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tây Bắc năm 2003, cô Hà về nhận công tác tại Trường THCS Keo Lôm (nay là Trường PTDTBT THCS Keo Lôm), đến nay đã 19 năm. Xã có 15 điểm bản, hầu như đều ngự trên những mỏm đồi cheo leo. Mình đến được bản để dạy đã thấy khó khăn lắm rồi. Nhưng khi chứng kiến cuộc sống của các em học sinh thì còn thương nhiều hơn. Toàn nhà tre, mái lợp gianh, bạt, bên trong thì đơn sơ, tuềnh toàng. Trẻ nhỏ không đủ quần áo mặc, bữa ăn chỉ vỏn vẹn có cơm trắng chan nước đun sôi!”. Khi cái bụng chưa no, thì cho con đi học là điều xa xỉ với dân bản. Chính vì thế, để huy động học sinh đến trường, cô Hà và nhiều giáo viên khác đã phải cam kết với phụ huynh là sẽ lo sách vở đầy đủ cho con em họ. Từ cuốn vở viết, chiếc bút, thậm chí nhiều khi cả quần áo, dép, đồ ăn, thức uống... Trên những bản cao, gần như không có điện. Ngặt nỗi, người dân chỉ cho con đi học buổi tối, do ban ngày còn phải làm nương. Thế là suốt nhiều năm, những lớp phổ cập của cô Hà chỉ diễn ra vào ban đêm. “Để có ánh sáng cho bọn trẻ học, tháng nào tôi cũng phải mua dầu, mua nến. Mà lương ngày ấy thì thấp, ban đầu là 800 nghìn đồng, sau tăng lên hơn 1 triệu đồng. Mua sắm những thứ ấy rồi, việc lo cho con mình cũng khó khăn lắm!” - cô Hà bộc bạch. Hai con của cô vì thế cũng chịu nhiều thiệt thòi. Suốt nhiều năm ròng rã, chúng thường xuyên xa mẹ. Chồng cô cũng là giáo viên ở trung tâm huyện, tiền lương của anh dành cả cho chăm sóc con cái học hành. Nhiều khi phải hỗ trợ thêm cho vợ nên cũng có lúc phải “giật gấu vá vai”.

Khó khăn nhất khi dạy học ở vùng cao là việc duy trì sĩ số học sinh, nhất là học sinh nữ. Bởi ở đây vẫn còn nặng tư tưởng là con gái thì không cần học nhiều. Nhiều em bỏ dở việc học, lập gia đình, rồi sinh con. Các em lại rất dễ tổn thương, nên với những trường hợp như vậy không thể cứng nhắc mà phải dùng tình yêu thương và sự bao dung của mình để khuyên bảo. Cho đến giờ, cô học trò G.T.M. vẫn thường liên lạc và tâm sự với cô giáo Hà như một “người bạn lớn”. Sáu năm trước, M. là học sinh lớp 9 do cô Hà chủ nhiệm. Do vướng vào chuyện tình cảm, M. nhất quyết đòi bỏ học để lấy chồng, nếu không sẽ tự tử. Bố mẹ em vì sợ nên không dám cấm cản. Sau nhiều lần tìm đến nhà không gặp vì học sinh bỏ trốn, cô Hà đã thông qua bạn bè để nắm bắt diễn biến tâm lý, rồi hẹn gặp được M. “Vừa thấy tôi, em định bỏ chạy. Nhưng khi tôi bảo, cô đến đây không phải để bắt em đi học, thì em mới ngồi lại nghe tôi nói!” - cô Hà nhớ lại. Một phép so sánh được cô giáo Hà đặt ra, khiến M. thay đổi suy nghĩ. Câu chuyện chân thực về cuộc sống của bố mẹ em, sớm tối quẩn quanh với mảnh nương bạc màu, cuộc sống nheo nhóc, thiếu trăm bề... rồi những điều mới lạ, đẹp đẽ của cuộc sống phía trước nếu tiếp tục theo đuổi con đường tri thức. Giờ đây, cô học trò ngày nào đã trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Nghĩ về những lứa học trò ngày nào chỉ biết tiếng mẹ đẻ, nay không chỉ biết đọc, biết viết mà đã vươn xa khỏi mảnh nương, ngọn núi để theo đuổi ước mơ trên con đường học vấn. Với cô Hà, đó là niềm hạnh phúc lớn lao!

Nói về người giáo viên ưu tú Nguyễn Thị Hà, thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Keo Lôm không khỏi cảm phục: Cô Hà là giáo viên tâm huyết với nghề, có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Cũng có những học trò ngỗ ngược, hoặc nhiều lần muốn bỏ học vì hoàn cảnh gia đình, nhưng được cô giáo Hà động viên, khuyên nhủ đã vui vẻ trở lại trường, học hành đỗ đạt, có cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc. Vì thế cô được nhiều phụ huynh, các thế hệ học trò yêu mến và ví như “người lái đò” trên đỉnh Keo Lôm.

Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top