Cần giải pháp phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia

08:53 - Thứ Hai, 12/12/2022 Lượt xem: 10244 In bài viết

ĐBP - Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) hàng năm là một trong những niềm tự hào của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) địa phương nói riêng, các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung, đặc biệt là địa bàn miền núi, đầu tư cho giáo dục còn hạn chế như Điện Biên. Dù đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ, nhưng để tiếp tục nâng cao chất lượng ôn thi HSGQG, nâng số giải và xếp hạng thì tỉnh ta vẫn đối mặt nhiều khó khăn...

Việc phát hiện, tạo tiền đề bồi dưỡng HSGQG được Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn quan tâm, thực hiện sớm từ khi học sinh học lớp 10, 11, thông qua việc học trên lớp, các chuyên đề chuyên sâu cùng các hoạt động giáo dục liên quan. Trong ảnh: Học sinh lớp chuyên Tiếng Anh - 10A6 trao đổi trực tuyến với học sinh nước ngoài trong một dự án toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

Số học sinh đoạt giải giảm

Trong Kỳ thi HSG các môn văn hóa lớp 12 cấp quốc gia, Điện Biên có 11 học sinh đoạt giải, đạt 22,92% số học sinh tham gia; trong đó, 5 giải ba, 6 giải khuyến khích. Đối với kỳ thi này, tỉnh ta luôn đứng thứ hạng 3 - 4 trong 7 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, có năm đứng thứ 2, chỉ sau Lào Cai. Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, số giải năm 2022 tăng 1 nhưng tỷ lệ đoạt giải lại giảm so với năm  2021. Số lượng HSGQG 3 năm 2020 - 2022 giảm mạnh so với các năm trước. Giai đoạn 2015 - 2019, năm thấp nhất, tỉnh ta có 31,25% học sinh đoạt giải, cao nhất có 47,92% học sinh đoạt giải, với cả giải nhất và nhiều giải nhì HSGQG.

Nguyên nhân của những tồn tại trên được nhà giáo Bùi Thị Anh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - đơn vị chủ chốt trong công tác giáo dục mũi nhọn của tỉnh, được giao nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng HSGQG, chỉ ra: “Có rất nhiều khó khăn trong công tác này đối với tỉnh miền núi như tỉnh ta. Đó là sự cạnh tranh cao, các trường THPT chuyên có bề dày thành tích của các tỉnh, thành lớn tăng số lượng học sinh tham gia (Bộ GD&ĐT quy định, 2 năm đạt 80% số học sinh có giải thì đội tuyển HSGQG được tăng lên 2 học sinh). Đặc biệt các môn có thi quốc tế, các trường chuyên đầu tư mạnh để học sinh được vào vòng 2, khi đó học sinh được tuyển thẳng vào nhiều trường đại học danh tiếng. Chủ quan về phía Điện Biên, số học sinh thi tuyển đầu vào của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ít hơn nhiều so với các trường chuyên khác, vì thế chọn lọc chưa cao. Giáo viên ôn luyện đội tuyển phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc, vừa ôn thi HSGQG vừa phải đảm bảo chất lượng đại trà, ôn thi HSG cấp tỉnh, đặc biệt chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều kiến thức mới, phương pháp mới nên cường độ làm việc cao, việc đầu tư cho công tác bồi dưỡng HSG cũng có phần bị hạn chế. Nhiều học sinh có năng lực nhưng bản thân hoặc gia đình không tha thiết tham gia đội tuyển...”

Để phát hiện, bồi dưỡng HSGQG, các tổ chuyên môn nhà trường xây dựng kế hoạch giảng dạy chuyên đề chuyên sâu từ lớp 10 đến hết lớp 11 với thời lượng 40 - 50% số tiết môn chuyên. Thông qua đó, lựa chọn các học sinh có tố chất, năng lực tham gia thi HSG các cấp, dự kiến nguồn và chọn lọc đội tuyển HSGQG. Đây là trách nhiệm không dễ dàng với các giáo viên. Cô Dương Thị Hồng Gấm, giáo viên môn Sinh học chia sẻ: “Kiến thức nền cần giảng dạy cho học sinh bao gồm kiến thức chuyên sâu, kiến thức chương trình đại học đại cương một số phân môn, các chủ đề không có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, cập nhật từ các nghiên cứu hàng năm trên thế giới. Vì thế sách giáo khoa chỉ chiếm một phần nhỏ trong nội dung kiến thức nền cần cung cấp cho học sinh. Phần lớn kiến thức sâu và khó, giáo viên phải tự nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu, mới đáp ứng cơ bản được đề thi hiện nay. Không chỉ vậy, đề thi HSGQG những năm gần đây tiếp cận đề thi Olympic quốc tế nên có rất nhiều kiến thức mới hoặc nội dung khai thác từ các tài liệu nước ngoài mà chúng tôi chưa được tiếp cận”.

Khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng

Kỳ thi HSGQG năm 2022, Điện Biên có 1 giải ba môn Tiếng Anh, đây là lần đầu tiên tỉnh nhà có giải ở bộ môn này. Được biết, sau nhiều năm gián đoạn và không đủ điều kiện thành lập do thiếu giáo viên, năm học 2021 - 2022, đội tuyển HSGQG môn Tiếng Anh khởi động trở lại và đạt thành tích đáng khích lệ. Không chỉ có giải, mà khoảng cách giữa điểm của các học sinh đạt được trong kỳ thi với điểm được xếp giải cũng đã thu hẹp đáng kể, từ 0,1 - 0,5 điểm.

Thầy Nguyễn Văn Biên, giáo viên lãnh đội môn Tiếng Anh cho biết: “Tổ đã chủ động lên kế hoạch, thảo luận, phân tích những mặt mạnh - yếu của học sinh; phân công giáo viên giảng dạy các phần kiến thức phù hợp với thế mạnh từng người. Với những nội dung khó, đặt vấn đề nhờ các giảng viên có uy tín ôn luyện, tham gia thỉnh giảng trực tuyến trong điều kiện ngân sách cho phép. Cùng với đó giáo viên trong tổ tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên các trường bạn, tìm kiếm thêm nguồn học liệu hữu ích, phục vụ công tác ôn luyện...”.

Đối với các em học sinh và phụ huynh, việc tham gia đội tuyển HSGQG là một quyết định khó khăn, do áp lực cao và mất nhiều thời gian ôn luyện. Vì thế nhà trường và các tổ bộ môn, giáo viên tham gia ôn luyện đội tuyển đều xác định phân tích, động viên học sinh và gia đình các em là một nhiệm vụ quan trọng. Cô Ngô Thị Huệ, giáo viên lãnh đội môn Lịch sử chia sẻ: “Muốn học sinh yêu thích, ham mê, học tập đạt kết quả cao và tham gia vào đội tuyển thì trước tiên giáo viên phải xác định động cơ, tạo hứng thú, say mê học tập Lịch sử cho học sinh. Và cho các em thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia đội tuyển (được khen thưởng, cộng điểm, đỗ vào đại học), động viên các em hàng ngày, giúp các em cảm thấy nhẹ nhàng sau mỗi giờ học. Cùng với đó, phải thường xuyên kết nối với học sinh đội tuyển các năm trước để anh chị động viên, tiếp lửa, truyền cảm hứng cho các em bằng nhiều cách”.

Ngoài việc khắc phục các khó khăn, tồn tại, Nhà trường đề ra nhiều giải pháp, kiến nghị để nâng cao hơn nữa chất lượng bồi dưỡng HSGQG cho tỉnh nhà trong thời gian tới. Hiệu trưởng Bùi Thị Anh cho biết: “Một trong những giải pháp là tham mưu với Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch bồi dưỡng HSG liên cấp, thực hiện tốt công tác phát hiện và tạo nguồn HSG từ khi các em đang học THCS. Quan trọng nữa là phát triển, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo, nhân viên và tăng cường đổi mới phương pháp dạy, học. Trong đó tham mưu với Sở GD&ĐT xây dựng, ban hành tiêu chuẩn tuyển chọn giáo viên về trường THPT chuyên; ưu tiên tuyển sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở các trường đại học sư phạm, sinh viên đã đoạt giải HSGQG cấp THPT và tốt nghiệp đại học loại giỏi...”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top