Để không còn bạo lực học đường

07:19 - Chủ Nhật, 25/12/2022 Lượt xem: 8410 In bài viết

ĐBP - Bạo lực học đường (BLHĐ) là vấn đề đáng lo ngại, mối quan tâm của cả xã hội. Để phòng ngừa tình trạng này, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, trong đó, tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, hoặc lồng ghép trong các môn học, phù hợp từng lứa tuổi. Qua các hoạt động, góp phần xây dựng trường học an toàn, lành mạnh.

Tuyên truyền phòng, chống BLHĐ và xâm hại trẻ em cho học sinh Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ.

Hẳn nhiều người chưa quên vụ việc BLHĐ xảy ra tại một trường THCS trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ vào cuối năm 2020. Theo đó, sáng 9/12, cháu N.Q.H. có xô xát với bạn cùng lớp là cháu T.N.M. Sau đó, cháu M. về nhà báo gia đình. Khoảng 14 giờ cùng ngày, phụ huynh cháu M. đã đến lớp 6A4, gọi cháu N.Q.H. lên bục giảng. Khi cháu H. đi lên, người đàn ông này đã có hành vi đấm liên tiếp vào đầu, dùng chân đá vào bụng cháu bé. Chưa dừng ở đó, người đàn ông này yêu cầu cháu H. ra ngoài lớp học, rồi dẫn đến ngách nhỏ gần trường để tiếp tục hành hung. Toàn bộ sự việc được học sinh cùng lớp chứng kiến và camera giám sát của lớp học ghi lại. Sau sự việc, cơ quan chức năng đã vào cuộc, điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Đây chỉ là một trong những trường hợp BLHĐ trên địa bàn tỉnh được phát hiện và xử lý kịp thời. Tình trạng BLHĐ thời gian qua vẫn còn xảy ra. Để ngăn ngừa BLHĐ, hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông kiến thức giới, giới tính; phòng, chống BLHĐ; phòng chống xâm hại trẻ em; xâm hại tình dục trẻ em. Tăng cường các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục về kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, kiến thức pháp luật. Triển khai các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ, không để xảy ra tình trạng cán bộ, giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, học sinh, sinh viên vi phạm nội quy trường, lớp.

Bà Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ cho biết: Trường hiện có hơn 1.200 học sinh. Trường thực hiện tốt việc tuyên truyền phòng, chống BLHĐ tới toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh bằng nhiều hình thức (qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội). Ngoài dạy lồng ghép trong các tiết học, Trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa, diễn đàn để nâng cao ý thức của học sinh trong phòng, chống BLHĐ… Qua đó, các em được giao lưu, trao đổi, nâng cao kiến thức phòng, chống BLHĐ, xâm hại trẻ em, có ý thức, có kỹ năng và khả năng dự đoán phòng tránh nguy hiểm, biết cách tự bảo vệ.

Tại huyện Mường Chà, các cấp, ngành, đặc biệt là các đơn vị giáo dục và đào tạo huyện xem phòng, chống BLHĐ là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Do đó, huyện có những giải pháp thiết thực, hợp lý và thực hiện một cách nghiêm ngặt. Ông Trần Hồng Quân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Học sinh có khi chỉ vài câu trêu chọc nhau cũng dẫn đến những tình huống cãi cọ, xích mích, xô xát. Bởi vậy, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền những hậu quả do BLHĐ gây ra, Phòng còn yêu cầu kiểm tra toàn bộ các công trình trong trường học thuộc đơn vị quản lý, đặc biệt là hệ thống lan can, hành lang, cầu thang và các vị trí có nguy cơ mất an toàn, đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình sử dụng. Không chỉ vậy, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các dấu hiệu sai phạm của các tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa, phòng chống BLHĐ, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị công tác phòng, chống BLHĐ năm 2022 nhằm đánh giá tình hình thực hiện công tác này trong thời gian qua và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Tại đây, trên cơ sở kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, các đại biểu đã có ý kiến, kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống BLHĐ như: Quản lý chặt chẽ giờ giấc sinh hoạt, học tập của học sinh nội trú, bán trú; đoàn thanh niên, các cán bộ lớp làm cầu nối phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn, kịp thời nắm bắt tâm tư, mâu thuẫn giữa học sinh để giảng hòa, giải quyết; phối hợp đồng bộ, nêu cao trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên bộ môn, nhân viên bảo vệ, y tế ngăn chặn mọi nguy cơ xảy ra xung đột trong trường học; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học đường… Ngoài ra, các gia đình cần là những người đồng hành cùng con, không chỉ chú trọng kết quả học tập mà còn quan tâm, động viên, chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống của con em mình, từ đó cùng với các cấp, ngành tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top