Ổn định sĩ số học sinh sau kỳ nghỉ tết

07:02 - Thứ Sáu, 17/02/2023 Lượt xem: 5423 In bài viết

ĐBP - Gần 3 tuần học tập sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, sĩ số học sinh trên địa bàn tỉnh đã ổn định và chuyên cần trở lại. Đó là nhờ nỗ lực huy động học sinh ra lớp của các thầy cô giáo, các cơ sở giáo dục và giải pháp đồng bộ của ngành Giáo dục tỉnh nhà trước khó khăn đặc thù “đến hẹn lại lên” của địa bàn vùng cao.

Học sinh điểm bản Púng Trạng, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm He đi học chuyên cần sau tết nhờ nỗ lực vận động của thầy giáo Lò Văn Bính.

Sau mỗi kì nghỉ tết, học sinh ở nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa tỉnh ta thường chưa ra lớp đầy đủ, có tâm lý ngại trở lại trường học. Một phần do đường sá đi lại khó khăn, hoặc vì hoàn cảnh gia đình cần người lao động... Phần đông học sinh vắng do ham vui hội xuân. Bà con vùng cao vẫn quen vui chơi, du xuân thường kéo dài đến hết rằm tháng Giêng. Bởi vậy, ngày đầu ra lớp sau kỳ nghỉ tết, có những nơi tỷ lệ học sinh còn thấp, đặc biệt một số địa bàn tấp nập hội xuân chỉ ghi nhận 50 - 60%. Tuy nhiên bằng việc triển khai các giải pháp, sĩ số tăng nhanh từng ngày, bước sang tuần thứ 2 cơ bản ổn định với khoảng 95% học sinh toàn tỉnh trở lại trường.

Tủa Chùa từ lâu luôn là địa bàn vùng cao gặp khó khăn nhất trong công tác vận động học sinh ra lớp sau tết, do các hội xuân tại đây “nở rộ”, có truyền thống lâu năm. Sau 3 năm gián đoạn không tổ chức do dịch bệnh, hội xuân năm nay còn tưng bừng, đông vui hơn. Bởi vậy thầy cô càng thêm vất vả. Không chỉ học sinh lớn ham chơi hội nghỉ học mà cả cấp mầm non cũng chưa ra lớp đông đủ do phụ huynh đưa con đi du xuân. Trước tình hình đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đã triển khai nhiều biện pháp, tích cực huy động đảm bảo sĩ số học sinh và tăng tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần sau kỳ nghỉ tết.

Ông Vũ Đức Biểu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa cho biết: “Phòng đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra tình hình thực tế tại các đơn vị trường học trực thuộc. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị xây dựng các giải pháp cụ thể như: Tăng cường công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền đến phụ huynh, động viên học sinh đến trường đúng quy định; đảm bảo tổ chức cho học sinh nơi ăn, nghỉ ngay sau khi trở lại trường để các em yên tâm học tập; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao (sau giờ học chính khóa) phong phú, hấp dẫn để thu hút học sinh... Cùng với đó theo dõi sĩ số học sinh, nắm bắt nguyên nhân học sinh nghỉ học; phân công cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đến từng gia đình, lên các địa điểm tổ chức hội xuân để vận động học sinh ra lớp. Sau khi thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, số lượng và tỷ lệ học sinh các độ tuổi ra lớp, đi học chuyên cần, học sinh ăn bán trú đã chuyển biến rõ rệt theo từng ngày”. Đến ngày 6/2, toàn huyện có 94,6% học sinh đến trường.

Tại các địa bàn vùng cao khác cũng có những giải pháp tương tự. Thêm vào đó, thầy cô các trường còn linh hoạt nhiều cách làm: “Gom” tết (bánh kẹo, đồ ăn) từ nhà mang đến trường, lì xì đầu năm, tổ chức hội xuân thu nhỏ trong không gian trường học... để thu hút các em ra lớp. Tại điểm bản Púng Trạng, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm He, xã Mường Tùng (huyện Mường Chà), kết thúc kỳ nghỉ tết, thầy giáo Lò Văn Bính quay lại trường mang theo bánh, kẹo. Đây vừa là món quà song cũng là “chiêu” dụ trò ra lớp của thầy. Năm học này, một mình thầy Bính phụ trách lớp ghép (1 + 2) với 13 học sinh. Đây là điểm 100% đồng bào Mông sinh sống, cách trung tâm hơn 20km, nhà cách xa nhau, không có sóng điện thoại. Vì thế, thầy Bính phải lên bản sớm, đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đi học đúng ngày.

Thầy Bính tâm sự: “Học sinh ở đây nhiều khó khăn nên chỉ cái kẹo, cái bánh cũng khiến các em thích thú. Khi đi vận động, tôi mang theo bánh kẹo để phát cho bọn trẻ; nhắc nhở, thông báo phụ huynh, người quen, thân của học sinh ngày đi học lại. Tôi cũng phải nhấn mạnh với người dân là, ngoài việc được học chữ, đến lớp có bánh, kẹo, thịt, cá... để họ hiểu bọn trẻ đi học tốt hơn ở nhà thì mới vận động được”. Nói là vậy, song theo thầy Bính thì thực tế sĩ số lớp cũng không thể ổn định ngay ngày đầu đi học. Nhiều em được bố mẹ đưa đi chơi hội xuân ngoài địa bàn, thầy cô phải thúc giục, tuyên truyền nhiều mới về. Sau 2 - 3 hôm, lớp mới đông đủ học sinh.

Mỗi kỳ nghỉ tết tại địa bàn vùng cao tỉnh ta đều nặng nỗi lo của thầy cô, làm sao để học trò sau tết trở lại lớp đầy đủ. Tại các trường, trước mỗi kì nghỉ, ban giám hiệu đã xây dựng kế hoạch, chủ động thông báo về thời gian nghỉ và đi học lại để phụ huynh và học sinh nắm rõ; phân công giáo viên về từng bản tuyên truyền, vận động học sinh và gia đình... Bên cạnh đó, trước và sau kỳ nghỉ tết, các trường tổ chức hoạt động vui chơi, trải nghiệm, sinh hoạt phong phú, thu hút học sinh tham gia, để các em thêm hứng thú đến trường. Nhờ những nỗ lực ấy, tỷ lệ học sinh ra lớp toàn tỉnh sớm ổn định, tình trạng lớp học vắng bóng học trò sau mỗi đợt nghỉ tết đã không kéo dài như trước.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top