Vấn đề hôm nay

Người lớn cần làm gương trước

11:32 - Thứ Bảy, 25/02/2023 Lượt xem: 5480 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, phần lớn học sinh, nhất là cấp THCS trở lên được phụ huynh, người thân trang bị cho điện thoại phục vụ học tập, tiếp cận thông tin xã hội. Lợi ích của việc dùng điện thoại phục vụ học tập, tra cứu thông tin phục vụ cuộc sống hàng ngày là rất lớn. Tuy nhiên, do quá lạm dụng vào điện thoại, nhất là dùng mạng xã hội, lướt website xem các trang thông tin không chính thống, “website đen”… dẫn đến chểnh mảng việc học tập. Nhiều em mắc bệnh tự kỉ, trầm cảm, loạn thần, tính cách thay đổi thất thường. Nhiều em học lực giảm sút rõ rệt sau khi “nghiện” mạng xã hội, điện tử, game online… Không loại trừ có học sinh ăn trộm tiền bố mẹ, người thân, bỏ bê việc học tập để chơi điện tử, game online tại cửa hàng, quán xá ngoài phố thâu đêm suốt sáng.

Một thống kê của ngành chuyên môn gần đây cho thấy, học sinh, trẻ em sử dụng điện thoại, nhất là dùng mạng xã hội có thể lên đến 5 - 7 giờ/ngày. Điều này cho thấy, trẻ em không chỉ dùng mà dần “mê đắm” vào các trang mạng xã hội.

Việc học sinh, trẻ em dùng điện thoại trong giờ học, dùng mạng xã hội mọi lúc mọi nơi đang trở nên báo động. Do vậy, người lớn, các bậc phụ huynh, giáo viên và toàn xã hội cần nhìn nhận lại việc dạy dỗ, giáo dục con cái trong bối cảnh hiện nay làm sao cho hiệu quả.

Trước hết, về phía nhà trường, tuỳ từng cấp học mà cho phép học sinh sử dụng điện thoại như thế nào cho phù hợp. Chỉ cho phép và khuyến khích học sinh sử dụng internet, điện thoại tra cứu thông tin, tài liệu phục vụ học tập, thi cử. Ngoài ra cần phổ biến kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội an toàn, lành mạnh; để các em không bị quấy rối, bắt nạt, tống tiền… Mặt khác, cần tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở thường xuyên và tạo sự đồng thuận cao về kỹ năng, cách thức, giờ giấc dùng điện thoại, mạng xã hội cho các em.

Về phía gia đình, cần sâu sát, quan tâm hơn đến việc dạy dỗ, chăm sóc con cái. Các em đang tuổi ăn tuổi lớn, lại đua đòi, nghịch ngợm. Thấy các bạn có điện thoại, mình cũng xin mua. Hiện nay khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ - nơi có điều kiện kinh tế, mức sống khá cao, do nhà nhà kết nối mạng internet, wifi nên các em thường xuyên vào mạng xã hội. Ngoài sử dụng điện thoại, máy tính phục vụ học tập thì không ít học sinh chơi điện tử, game online, xem đủ các loại thông tin không có lợi cho bản thân.

Do vậy, việc phụ huynh, người thân, giáo viên các nhà trường cần thống nhất việc cấm hoặc hạn chế học sinh sử dụng điện thoại, nhất là trên lớp học là cần thiết. Việc làm này được đại bộ phận phụ huynh, người dân đồng tình ủng hộ.

Có điều, khi học sinh nào đó dùng điện thoại trên lớp học không đúng mục đích, giáo viên bắt được, ngoài tịch thu điện thoại, báo cho phụ huynh biết, thì cũng cần có cách nhắc nhở, giáo dục khéo léo, tránh làm các em sốc nặng, hoảng loạn tinh thần, dẫn tới nghĩ quẩn, hành động dại dột.

Ngoài hạn chế các em dùng điện thoại trong lúc học tập, không nên mang điện thoại đến trường, các bậc cha mẹ, người thân cần làm gương cho các em. Bản thân mỗi người lớn cần hạn chế dùng điện thoại, mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi. Thực tế, các em học sinh, con em mình lạm dụng điện thoại, mạng xã hội, xem tivi nhiều, có nguyên nhân từ việc người lớn ngồi đâu cũng dán mắt vào tivi, điện thoại. Cứ rảnh rỗi là cầm điện thoại xem, không ai nói chuyện với ai. Hạnh phúc gia đình thiếu gắn kết, tình cảm bạn bè tẻ nhạt, mai một cũng từ đây mà ra.

Cổ nhân có câu “thượng không chính thì hạ tắc loạn”. Bố mẹ không làm gương thì giáo dục con cháu bằng cách nào. Do đó, chỉ cần hàng ngày, ngoài thời gian làm việc cơ quan, việc nhà xong, các bậc phụ huynh, người lớn, nhất là những người đang có con là học sinh, nên cầm cuốn sách, cuốn truyện đọc, nghiên cứu, hoặc xem thông tin thời sự, các chương trình khoa học, giáo dục trên tivi, các em thấy thế sẽ dần điều chỉnh hành vi, chuyên tâm hơn cho học tập, hạn chế tiếp xúc với môi trường mạng điện thoại, internet... Khi người lớn hạn chế dùng điện thoại, mạng xã hội, xem phim, lướt website… thì mỗi lần nhắc nhở, giáo huấn, răn đe, chỉ bảo, các con mới nghe và ngoan ngoãn làm theo. Còn mình không làm gương, không nêu gương thì khó mà đòi hỏi con cái làm theo được.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top