Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng để giải quyết việc thiếu giáo viên

14:32 - Thứ Ba, 21/03/2023 Lượt xem: 6416 In bài viết

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được ý kiến cử tri phản ánh, hiện nay tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên bậc tiểu học đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học. Cử tri kiến nghị Bộ có kế hoạch tăng chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực giáo viên bậc tiểu học, đồng thời có định hướng trong việc đào tạo giáo viên nhằm bảo đảm nhu cầu thực tế.

Số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm tăng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, báo cáo để Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị ban hành quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2025. Trong đó, năm học 2022-2023, tạm giao 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương.

Đồng thời, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt, tạo ra sự thu hút đối với thí sinh vào học các ngành đào tạo giáo viên và để các địa phương đặt hàng đào tạo, bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng theo nhu cầu thực tế của từng địa phương.

Theo đó, số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên tăng. Cụ thể, năm 2021, có 130.893 thí sinh đăng ký xét tuyển so với tổng số 50.505 chỉ tiêu. Trong khi đó, năm 2020, có 72.436 thí sinh đăng ký xét tuyển trong tổng số 69.630 chỉ tiêu; năm 2019, có 71.467 thí sinh đăng ký xét tuyển trong tổng số 47.097 chỉ tiêu). Số thí sinh nhập học năm 2021 đạt 96% chỉ tiêu.

Năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ- CP; rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, nhất là với các môn học mới để có phương án bố trí nguồn lực và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên, làm cơ sở để Bộ giao chỉ tiêu đào tạo, bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hằng năm của địa phương.

Một trong các giải pháp quan trọng đang được ngành Giáo dục chủ động triển khai là tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Việc này được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Đào tạo giáo viên dạy các môn học mới; đào tạo văn bằng 2; đào tạo liên thông; đào tạo theo địa chỉ; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp muốn trở thành giáo viên để đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguồn tuyển dụng giáo viên theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top