Chủ động chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

09:01 - Thứ Tư, 22/03/2023 Lượt xem: 6341 In bài viết

ĐBP - Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra vào tuần cuối của tháng 6, thay vì tháng 7 như các năm trước. Với những thay đổi đó, ngành GD&ĐT Điện Biên đã chỉ đạo các trường cân đối lịch giảng dạy, ôn luyện linh hoạt, chất lượng, hiệu quả. Thời điểm này, các trường cùng lúc thực hiện song hành nhiệm vụ vừa dạy theo khung kế hoạch, vừa ôn thi tốt nghiệp.

Giai đoạn này, học sinh lớp 12, Trường Phổ thông DTNT tỉnh học đến đâu được ôn tập củng cố kiến thức đến đó, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trên cơ sở nghiên cứu sâu, sát nội dung tinh giản chương trình cũng như cấu trúc đề thi tốt nghiệp mà Bộ đã công bố, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch ôn tập, ôn thi phù hợp. Bởi vậy, các trường đều cho rằng dù đẩy sớm thời gian thi nhưng cơ bản không gây xáo trộn kế hoạch giảng dạy. Tại Trường THPT Mường Nhà (huyện Điện Biên) hiện vẫn đang ở giai đoạn 1 của kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT. Giáo viên vừa dạy tiếp chương trình vừa tổ chức các hình thức ôn luyện cho học sinh.

Thầy Đỗ Cao Thượng, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ và Sở, trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn tập trung nghiên cứu cấu trúc đề thi để có phương pháp giảng dạy, ôn tập cho học sinh. Sắp tới, trường sẽ tổ chức họp phụ huynh để thông tin tình hình học tập của học sinh, từ đó có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, có kế hoạch ôn thi sao cho hiệu quả”. Quan điểm của nhà trường là học sinh phải nắm chắc được các kiến thức cơ bản, giáo viên tuyệt đối không cắt xén chương trình. Giáo viên sẽ là người trực tiếp tư vấn cho học sinh chọn khối thi phù hợp với sở trường, nguyện vọng của mình. Sau khi kết thúc chương trình học, trường sẽ dành toàn bộ thời gian để bước vào giai đoạn nước rút, tập trung ôn tập thi tốt nghiệp.

Em Nguyễn Thị Phương, lớp 12C1, Trường THPT Mường Nhà cho biết: “Ban đầu khi biết thi tốt nghiệp sớm hơn mọi năm, em cũng hơi lo lắng. Nhưng thầy cô chia sẻ, động viên và bản thân tích cực học tập, ôn luyện chắc mỗi bài giảng nên tâm lý ấy cũng không còn nữa. Qua tư vấn của giáo viên, gia đình, em tập trung nhiều hơn cho các môn khoa học xã hội, em dự định đăng kí khối này và dự thi ngành công an”.

Tương tự, tại Trường PTDTNT tỉnh, 203 học sinh lớp 12 cũng đang vừa học, vừa được hệ thống hóa lại kiến thức. Nhà trường đã 2 lần tổ chức thi thử tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp. Dự kiến cuối tháng 3 sẽ tiếp tục bước vào lần thi thử thứ 3 để đánh giá lại toàn bộ giai đoạn ôn thi thứ nhất.

Thầy Vũ Trung Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ở 2 lần thi thử trước, 100% học sinh đều đảm bảo đạt điểm tốt nghiệp. Dựa trên từng kết quả cụ thể, nhà trường phân luồng, phân loại học sinh để lên kế hoạch ôn luyện, hỗ trợ cho các giai đoạn sau. Ngoài việc phân loại học sinh yếu ở từng bộ môn theo từng mức độ, thì nhà trường cũng phân nhóm học sinh đạt từ điểm 9 trở lên để dạy riêng. Những em này thường có mục tiêu rất rõ ràng và được định hướng phấn đấu thi vào các trường đại học tốp đầu”.

Ngoài việc ôn thi trên lớp, thì với sự phát triển ngày càng mạnh của công nghệ thông tin, phần lớn học sinh cuối cấp THPT còn khai thác kiến thức trên internet để ôn luyện thêm. Trước xu hướng đó, nhiều trường đã có cách thức khuyến khích, định hướng để các em biết cách tận dụng thế mạnh internet, tránh những mặt trái, ôn tập đúng và hiệu quả.

Thầy Vũ Trung Hoàn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT tỉnh cho biết: “Do trường không tổ chức học thêm, nên chúng tôi khuyến khích các em học bằng nhiều hình thức. Năm nay không ít học sinh nhà trường chung nhau mua gói học online. Để đảm bảo kiến thức tốt nhất cho học sinh, chúng tôi phải chủ động định hướng cho các em. Trước khi đăng ký mua gói học của môn nào, giáo viên môn đó sẽ là người trực tiếp tư vấn, kiểm duyệt giúp học sinh chọn được gói học uy tín, chất lượng”.

Với sự chủ động, tích cực chuẩn bị ngay từ đầu năm học nên các trường THPT không tạo áp lực cho học sinh dù thay đổi thời gian thi. Đó cũng là chỉ đạo chung của Sở GD&ĐT tới các trường: Đảm bảo thực hiện chương trình lớp 12 theo đúng quy định, không dồn, ép, cắt xén; dạy học hiệu quả từng tiết trên lớp, học đến đâu ôn tập củng cố kiến thức đến đó; kế hoạch dạy học, ôn tập phải sát với năng lực nhận thức học sinh và bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng; rà soát, phân chia lớp/nhóm để tổ chức ôn thi phù hợp với đối tượng, điều kiện thực tế từng đơn vị; sử dụng hiệu quả ngân hàng câu hỏi và đề thi phục vụ ôn tập, ôn thi do Sở cung cấp để biên soạn tài liệu dạy học phù hợp...

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top