Bảo đảm mục tiêu học gì thi nấy

10:11 - Thứ Hai, 27/03/2023 Lượt xem: 6637 In bài viết

Thông tin đang được xã hội quan tâm, nhất là với các em học sinh lớp 10, là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Theo dự thảo, trong số các môn của kỳ thi, lịch sử sẽ là môn thi bắt buộc. Bên cạnh các môn thi bắt buộc, học sinh vẫn được chọn thi một số môn. Các ý kiến nhận định ban đầu cho thấy, phương án thi không gây sốc và cơ bản bảo đảm mục tiêu học gì thi nấy.

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) hướng dẫn học sinh ôn tập. Ảnh: Đỗ Tâm

Duy trì mục tiêu “hai trong một”

Năm 2025 là năm có khóa học sinh đầu tiên hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông 2028. Để chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho khóa học sinh này, ngày 17-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 để lấy ý kiến xã hội. Động thái này được đánh giá cao bởi giúp học sinh cũng như giáo viên có thông tin sớm và chủ động chuẩn bị cho kỳ thi thật tốt.

Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 vẫn duy trì mục tiêu “hai trong một” như hiện nay. Kết quả kỳ thi vẫn được dùng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Nội dung thu hút sự quan tâm của học sinh, giáo viên nhất ở dự thảo là môn lịch sử sẽ là một trong các môn thi bắt buộc trong kỳ thi. Theo đó, thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông thi 4 môn bắt buộc, gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.

Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên thi 3 môn bắt buộc, gồm ngữ văn, toán, lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học. Trong đó, môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả môn học được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu ở cấp trung học phổ thông. Dự thảo cũng nêu rõ sự phân cấp trong công tác tổ chức kỳ thi. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định lịch thi chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương. Các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Một tiết học của học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Quang

Những đề xuất tâm huyết

Ghi nhận ban đầu, các ý kiến cơ bản đồng tình với phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Là học sinh đang học lớp 10, sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, em Nguyễn Hà An, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) bày tỏ: "Lịch sử đang là môn học bắt buộc và thi môn này là điều bình thường. Tuy nhiên, chúng em mong nội dung học sẽ tiếp tục cải tiến để môn lịch sử bớt khô cứng khiến nhiều bạn ngại học". Liên quan đến nội dung này, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức B (huyện Mỹ Đức) Vũ Trí Thức đề xuất, nếu lịch sử là môn thi bắt buộc thì cần sớm công bố phương án chi tiết để học sinh, phụ huynh, giáo viên chủ động chuẩn bị về cả tâm lý, kiến thức cũng như có phương pháp dạy, học hiệu quả.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho rằng, bên cạnh các môn thi bắt buộc, học sinh vẫn được chọn môn thi giúp các em có định hướng rõ ngay trong quá trình học tập từ lớp 10. Hiện nay, học sinh lớp 10 được chọn học một số môn, đến khi thi lại được chọn 2 môn để thi tốt nghiệp nên cũng khá thuận lợi.

“Tuy nhiên, lý tưởng nhất là chỉ nên quy định học sinh thi 4 môn bắt buộc và 1 môn lựa chọn; nếu em nào có nguyện vọng dùng kết quả thi để xét tuyển đại học thì có thể chọn thi thêm một vài môn” - bà Nguyễn Thị Lan góp ý.

Còn theo Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình), đây là phương án phù hợp. Học sinh được chọn 2 môn trong số các môn đã chọn học để tham gia xét tuyển đại học. Tuy nhiên, cần nâng tỷ lệ câu hỏi ở mức độ vận dụng lên khoảng 40% trong tổng số câu hỏi của đề thi. 

Theo đề xuất của nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, để được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, ngoài điểm số, còn cần thêm điều kiện về việc học sinh tích cực tham gia các hoạt động công ích, từ thiện như ở nhiều nước đã triển khai. Việc này buộc học sinh có ý thức tự rèn luyện, huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể trong công tác giáo dục học sinh, góp phần thực hiện chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” ban hành kèm theo Quyết định số 1895/QĐ-TTg, ngày 11-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top