Cách nào để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích?

14:34 - Thứ Tư, 19/04/2023 Lượt xem: 6933 In bài viết

Theo kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa mới ban hành, thời gian thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (NVXT) không giới hạn số lần bắt đầu từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7. Các chuyên gia tuyển sinh lưu ý, thí sinh cần có “chiến lược” trong chọn ngành, chọn trường và “chiến thuật” dàn trải NVXT để vừa có thể giảm thiểu rủi ro, vừa tăng cơ hội trúng tuyển vào những ngành học mà mình yêu thích.

“Chiến lược” trong chọn ngành, chọn trường

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, việc chọn đúng ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân quyết định thành bại của cả sự nghiệp sau này. Do vậy, trước hết thí sinh phải chọn cho mình một trong những ngành học mà mình yêu thích nhất và ngành học đó phải phù hợp với khả năng học tập.

Ví dụ, nếu muốn vào các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ kỹ thuật, y sinh và kinh tế thì các em phải học tốt các môn Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ. Còn đối với các ngành Khoa học xã hội, các em phải giỏi môn Ngữ văn, Khoa học xã hội, Ngoại ngữ. Các em có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó thì có thể chọn vào các ngành có môn thi năng khiếu phù hợp.

Năm 2023, thí sinh có 20 ngày để đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học. Ảnh minh hoạ 

Tiếp theo thí sinh mới chọn đến trường có các ngành nghề mà thí sinh yêu thích, phù hợp với năng lực cá nhân. Thông thường các trường thí sinh yêu thích thường là các trường có thương hiệu uy tín, chất lượng đào tạo tốt, ra trường có tỷ lệ việc làm ngay sau tốt nghiệp cao nhưng các trường này thường có điểm trúng tuyển đầu vào hằng năm khá cao.

Do vậy, khi đặt nguyện vọng để đăng ký xét tuyển thì các thí sinh nên lưu ý điểm trúng tuyển của các năm trước, so sánh với điểm của các em hiện có để đặt nguyện vọng ưu tiên từ cao đến thấp theo điểm đầu vào của các trường để vừa giảm thiểu rủi ro, vừa tăng cơ hội trúng tuyển vào trường, vào những ngành học mà mình yêu thích.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cũng lưu ý thí sinh ưu tiên chọn ngành học trước vì ngành học gắn bó với mình cả đời, sau đó mới chọn trường. Khi chọn ngành, chọn trường, các em nên dành thời gian tìm hiểu kĩ càng các nguyện vọng xem bản thân mình thực sự thích gì, phù hợp với ngành nghề nào, cơ hội việc làm, nhu cầu xã hội ra sao của ngành học đó ra sao; tham khảo về phổ điểm, các dự đoán về điểm chuẩn các năm trước để đặt thứ tự nguyện vọng ưu tiên phù hợp. “Cơ chế xét tuyển hiện nay của Bộ GD&ĐT là hệ thống sẽ xét từ trên xuống theo thứ tự ưu tiên, nếu đỗ ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp. Do đó, các em hãy mạnh dạn đặt ngành học yêu thích lên ưu tiên số 1, nếu chưa đạt được, hệ thống sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cho đến khi nào trúng tuyển. Bên cạnh đó, các em cũng nên lựa chọn những ngành học, trường học phù hợp với năng lực, sở trường của mình và phù hợp với điểm thi thực tế trên cơ sở tham khảo điểm chuẩn của trường, của ngành học đó các năm trước, từ đó có phương án dự phòng để tránh rủi ro”-PGS.TS Đặng Thị Thu Hương chia sẻ.

Cần có “chiến thuật” sắp xếp nguyện vọng để tránh rủi ro

Một “chiến thuật” lựa chọn NVXT thành công được nhiều chuyên gia tuyển sinh có nhiều năm kinh nghiệm đưa ra là thí sinh cần thực hiện theo 4 bước. Bước 1, tự xác định mức điểm có thể đạt được sau khi thi tốt nghiệp THPT, điểm số này mang tính tương đối. Bước 2, tìm hiểu kỹ về các ngành học, xác định rõ bản thân yêu thích hoặc phù hợp ngành học nào? Bước 3, liệt kê danh mục các trường ĐH có tuyển sinh ngành học mà bản thân đã chọn kèm theo điểm chuẩn 2-3 năm gần nhất, nên lựa chọn từ 8-12 ngành tương đương với 8-12 nguyện vọng.

Bước 4, sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên theo hướng đặt các ngành học mình yêu thích lên ưu tiên hàng đầu cho đến hết các NVXT. Bước 5, sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần về sự yêu thích và phù hợp của bản thân; chú ý lựa chọn các trường theo một số tiêu chí như đã được kiểm định chất lượng; có học phí phù hợp với điều kiện gia đình; nhiều học bổng để phấn đấu học tập; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Mặc dù thời gian đăng ký NVXT năm nay được rút ngắn xuống còn 20 ngày, thay vì một tháng như trước đây nhưng thí sinh không nên quá lo lắng, bởi trong 20 ngày này, các em vừa có thể đăng ký, vừa có thể điều chỉnh NVXT đại học.

Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký, điều chỉnh không giới hạn số lượng nguyện vọng trong khoảng thời gian này. Thêm nữa, căn cứ đáp án và thang điểm các bài thi tốt nghiệp do Bộ GD&ĐT công bố sau khi kết thúc kỳ thi, thí sinh đã có thể dự tính mức điểm để đăng ký NVXT. Nếu kết quả thực tế vênh so với dự tính thì thí sinh vẫn còn gần 2 tuần để điều chỉnh nguyện vọng.

Để tránh “trượt oan”, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ lưu ý thí sinh phải đăng ký tất cả nguyện vọng (kể cả nguyện vọng đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm) lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trong thời gian quy định. Bên cạnh đó, nếu thí sinh có nguyện vọng học các trường Công an hoặc Quân đội thì khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, nguyện vọng đó phải đặt ở vị trí số 1.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, thí sinh đăng ký các NVXT khác nhau, cần có “chiến thuật” để dàn trải nguyện vọng đăng ký của mình. Các em nên đăng ký theo thứ tự ưu tiên từ trên cao xuống thấp đối với các ngành mà mình yêu thích. Mỗi phương thức xét tuyển có một tỉ lệ chỉ tiêu tuyển nhất định. Nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm, các em nên để nguyện vọng 1.

Cũng không nên tập trung tất cả các nguyện vọng của mình vào trường top đầu, những trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ không đỗ trường này và còn không đỗ cả những trường khác. Các em cần phải có chiến lược, chiến thuật để rải nguyện vọng, nên chọn nhiều trường khác nhau ở những ngành mình yêu thích theo cấp độ để hạn chế thấp nhất rủi ro.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top