ĐBP - Nơi đảo xa, giữa bốn bề sóng vỗ có một lớp học đặc biệt ở thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Một thầy với nhiều trò ở các lứa tuổi khác nhau, từ bậc mầm non đến tiểu học cùng chung một lớp. Nhiều năm qua, lớp học đặc biệt đó vẫn được duy trì thường xuyên, ươm mầm tương lai cho trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.
Bức tâm thư xin ra đảo
Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa, chúng tôi đặc biệt ấn tượng về ngôi trường nằm giữa hàng cây phong ba, bàng vuông chắn gió, cát ở thị trấn Trường Sa. Đây là trường học được xây dựng kiên cố, đảm bảo các điều kiện thiết yếu cho nhu cầu học tập của trẻ em huyện đảo trong mọi điều kiện thời tiết bình thường hay giông bão. Trong phòng học khang trang, sạch sẽ, thầy Bành Hữu Tình kể về cơ duyên của mình để đến Trường Sa dạy học. Trước khi ra Trường Sa dạy học, thầy Tình đã có 3 năm dạy ở Trường Tiểu học Khánh Lâm, Khánh Vĩnh; sau đó 10 năm dạy học ở Trường Tiểu học Suối Cát, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa).
Thầy Nguyễn Hữu Tình cho cho biết: “Khi Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh thông báo tuyển dụng giáo viên tự nguyện đi Trường Sa, tôi đã đăng ký ngay dù biết có mấy trăm hồ sơ cùng xin dạy học ở đảo. Tiêu chuẩn chọn giáo viên dạy học ở Trường Sa, phải qua 2 vòng: Xét tuyển hồ sơ và khám sức khỏe. Để bày tỏ nguyện vọng, quyết tâm của mình, tôi đã thức thâu đêm viết tay bức tâm thư dài gần 5 trang A4 kể về quãng đời thiếu niên, mồ côi mẹ từ khi 5 tuổi, nỗ lực học tập và rèn luyện gian khổ thế nào. Bản thân luôn phấn đấu và tin tưởng mình đủ năng lực dạy học ở Trường Sa.”
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác ở vùng khó, cùng với lòng yêu quê hương, yêu nghề, mến trẻ được giãi bày trong bức tâm thư viết tay, thầy Tình được Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa quyết định lựa chọn ra Trường Sa dạy học. Vậy là từ tháng 6/2018, thầy Bành Hữu Tình chính thức bắt đầu công việc dạy học đặc biệt trong cuộc đời mình. Điều đặc biệt là ngôi trường này chỉ duy nhất thầy Tình giảng dạy, kiêm nhiệm từ bậc mẫu giáo đến cấp tiểu học với vẻn vẹn 5 học trò. Là giáo viên nam, chặng đường “gieo chữ” của thầy Tình cũng gặp không ít khó khăn, nhất là đối với trẻ mầm non. Song với lòng mến trẻ, yêu nghề, cùng sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ thường xuyên, kịp thời của Ban Chỉ huy đảo, UBND thị trấn cùng các lực lượng đóng quân và cha mẹ học sinh, thầy đã vượt qua tất cả khó khăn, vì mục tiêu “gieo chữ” nơi đầu sóng ngọn gió.
Ươm mầm tương lai
Ở thị trấn Trường Sa, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, trường học được đầu tư, xây dựng khang trang, đầy đủ trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác dạy và học. Sau khi nhận nhiệm vụ, phòng học được thầy Tình trang trí, sắp xếp khéo léo, hài hòa, gần gũi với học sinh. Nội quy lớp học là một tấm biển vẽ những bông hoa, mỗi bông hoa ghi một nội dung như: Tự tin, đoàn kết, vượt khó, bảo vệ của công, lễ phép, chuyên cần, chăm ngoan, tích cực, học giỏi, sáng tạo... Treo gần đó là Góc tiếng Việt, được in các mẫu chữ viết rõ ràng, dễ nhìn. Góc toán in bảng cửu chương. Góc khoa - sử - địa, an toàn giao thông trưng bày những hình ảnh sinh động, giúp học sinh dễ dàng nhận diện.
Hiện nay, lớp ghép của thầy Bành Hữu Tình có 2 cấp học, gồm 1 học sinh lớp 2, 2 trẻ mẫu giáo lớn và 2 trẻ mẫu giáo bé. Chia sẻ về việc dạy học ở lớp ghép, thầy Tình cho biết: “Mặc dù ngồi chung một lớp nhưng các em vẫn được học chương trình theo đúng độ tuổi của mình. Để công tác giảng dạy ở lớp học ghép diễn ra hiệu quả, tôi đã sắp xếp chỗ ngồi hợp lý, vì các em ở lứa tuổi này rất hiếu động. Kết thúc giờ học của học sinh mầm non, thầy cho chơi đồ chơi, rồi chỉ bài cho từng học sinh tiểu học nên các em tiến bộ rất nhanh, vào nền nếp. Giờ học ngoại khóa, thầy giáo cùng các em tìm hiểu truyền thống về biển đảo, chơi nhảy dây, đá bóng, hướng dẫn cách trồng rau xanh. Vừa làm thầy, vừa làm “bảo mẫu” và là người bạn tâm tình của học sinh, không phụ
công thầy, các em được trang bị vững kiến thức, đảm bảo yêu cầu của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Khánh Hòa; hàng năm kết quả học tập của học sinh đều xếp loại khá, giỏi.
Học sinh ở thị trấn Trường Sa chỉ học hết lớp 5, sau đó vào đất liền học cấp trung học cơ sở. Chị Võ Thị Sông, người dân thị trấn Trường Sa cho biết: “Chúng tôi rất yên tâm vì con em mình luôn được giáo dục trong điều kiện tốt. Đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân chủng hải quân, cũng như đồng bào khắp cả nước. Dù lớp học có học sinh lứa tuổi khác nhau nhưng con gái tôi là bé Nguyễn Xong Trà đã học chương trình theo đúng độ tuổi. Cháu đã tốt nghiệp tiểu học đạt loại khá và vào bờ tiếp tục học trung học cơ sở.”
Nơi hải đảo xa xôi, trong ngôi trường đặc biệt ở thị trấn Trường Sa, việc “gieo chữ” vẫn duy trì đều đặn qua ngày tháng, giúp trẻ em lớn khôn cả trí và lực để sau này góp phần xây dựng biển đảo của Tổ quốc giàu đẹp, vững bền.