Tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non ở Tuần Giáo

15:48 - Thứ Tư, 17/05/2023 Lượt xem: 5186 In bài viết

ĐBP - Với đặc thù địa bàn vùng cao, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo luôn chú trọng tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non người DTTS. Việc này được các trường thực hiện bằng nhiều hoạt động, giải pháp.

Giáo viên Trường Mầm non Ta Ma lồng ghép tăng cường tiếng Việt cho trẻ thông qua học cụ về một số loại biển báo giao thông.

Năm học 2022 - 2023, Tuần Giáo có 24 trường mầm non với 306 nhóm, lớp, 7.989 trẻ; trong đó, 2.447 trẻ nhà trẻ; 5.542 trẻ mẫu giáo. Tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 53,88%, trẻ mẫu giáo đạt 99,89%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,94%. Ngoài thị trấn và một số xã vùng thấp, khu dân cư đông đúc, ở các địa bàn vùng khó, phần đông học sinh mầm non ít được tiếp cận với tiếng phổ thông. Nhiều lớp, trường xa trung tâm huyện, đường giao thông đi lại khó khăn, người dân chủ yếu là đồng bào DTTS, vốn tiếng Việt hạn chế dẫn tới môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt cho trẻ chưa phong phú, tích cực. Trường học gần như là nơi duy nhất các em được trò chuyện tiếng phổ thông.

Trường Mầm non Ta Ma cũng vậy, cách trung tâm huyện khoảng 40km, tiếng phổ thông rất hạn chế. Trường có 462 học sinh; trong đó, 2 học sinh dân tộc Kinh, 77 học sinh dân tộc Kháng, còn lại là các em người Mông. Cô Hà Thị Mến, Phó Hiệu trưởng cho biết: “Học sinh trên địa bàn khi vào nhà trẻ còn hoàn toàn xa lạ với tiếng phổ thông. Học sinh mẫu giáo 3 tuổi cũng còn hạn chế nhiều trong giao tiếp tiếng Việt. Bởi vậy để cô và trò hiểu nhau, đảm bảo chất lượng dạy và học, 29/29 giáo viên của trường tham gia học và được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc. Các cô cũng chủ động tự học hỏi qua thực tế để giao tiếp với phụ huynh và học sinh. Đồng thời thường xuyên nhờ phụ huynh phối hợp hỗ trợ, không chỉ trong việc giao tiếp với con tại nhà mà còn giúp giáo viên phiên dịch, hoàn thiện các bài thơ, bài hát song ngữ tiếng phổ thông - tiếng dân tộc để học sinh dễ nhớ, dễ hiểu”.

Ngoài 2 tiết tiếng Việt/tuần theo kế hoạch, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh cũng được Trường lồng ghép trong mọi tương tác, hoạt động trong lớp. Cô Tòng Thị Lan, giáo viên nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi thường dạy trẻ các bài ca dao, câu đố tạo sự vui vẻ, hứng thú, học và đọc theo cho trẻ, như: Rồng rắn lên mây, luồn luồn tổ dế... Sáng tạo gắn trò chơi dân gian ném pao với những câu hát tiếng phổ thông ngắn, dễ nhớ cho trẻ: “Ném pao, ném pao/Bắt cho giỏi, bắt cho ngoan”. Nhờ vậy mà cô Lan và học sinh ngày càng tương tác tích cực. Trước đó, cô Lan được phân công phụ trách lớp nhà trẻ ở điểm bản Phình Cứ, nơi 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Tại đây, ban đầu cô không chỉ gặp khó khăn trong giao tiếp với học sinh mà còn bất đồng ngôn ngữ với phụ huynh bởi nhiều người dân có vốn tiếng phổ thông hạn chế. “Đầu năm học, tôi phải làm quen dần với trẻ, sử dụng ngôn ngữ hình thể, giao tiếp từng từ, nhắc đi nhắc lại 1 từ, cụm từ để trẻ hiểu. Đồng thời bản thân mình tự học tiếng Mông để dịch song song 2 ngôn ngữ. Nhờ đó đến nửa kỳ I, cô trò đã hiểu được nhau, giao tiếp cơ bản”.

Trường Mầm non xã Tỏa Tình cũng có gần 100% học sinh dân tộc Mông. Mặc dù tiếng phổ thông tại địa bàn này được sử dụng phổ biến hơn, nhưng với học sinh mầm non vẫn còn nhiều hạn chế. Cô Nguyễn Hương Diễm, Hiệu trường nhà trường chia sẻ: “Các cô lồng ghép dạy tiếng Việt cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt giáo viên rất quan tâm làm các đồ dùng, đồ chơi theo chủ đề các tiết dạy gắn với chữ cái, tiếng Việt cho trẻ. Có thể kể đến vòng quay chữ cái/chữ số, bàn tay chữ cái, bông hoa chữ cái... với các trò chơi “ong tìm chữ”, “hái quả”, “săn tìm chữ cái”... Các con thường xuyên được tham gia các trò chơi, hoạt động ngoài trời, học song ngữ tiếng Mông - tiếng Việt các bài thơ, câu truyện. Trường có thư viện, góc chơi, lớp có nhiều đầu sách để học sinh tiếp cận nhiều hơn với tiếng phổ thông...

Mỗi trường có những đặc thù riêng, bởi vậy cách làm, giải pháp có thể khác nhau nhưng đều hướng đến làm sao để trẻ hiểu và giao tiếp tiếng phổ thông, tiếp thu bài học ngày càng tốt hơn, nâng cao chất lượng dạy và học. Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Hàng năm, ngành đều quan tâm đầu tư thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, học liệu cho trẻ học tiếng Việt. Triển khai tập huấn giáo viên khai thác, sử dụng tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa về tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Trong năm, bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiếng DTTS cho 100 giáo viên mầm non dạy trẻ em người DTTS. Các trường tích cực huy động sự tham gia của cha mẹ trẻ em và cộng đồng trong việc xây dựng tạo môi trường tiếng Việt cho trẻ hoạt động tại đơn vị trường, đặc biệt là tại các điểm trường lẻ; tăng cường nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt...”.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top