Lan tỏa việc học và làm theo Bác

Điều bình dị nhưng hạnh phúc

08:20 - Thứ Năm, 18/05/2023 Lượt xem: 5928 In bài viết

ĐBP - Đó là điều mà tôi cảm nhận được qua những lần gặp gỡ, tìm hiểu về các thầy cô giáo vùng cao trong những chuyến công tác và làm việc tại cơ sở. Và quả thực, chỉ có niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và tình yêu nghề mới có thể giúp các thầy cô bám trụ với bản làng, ngày qua ngày tận tụy chăm sóc, nuôi dạy trẻ bằng cả tấm lòng và trái tim nhân hậu.

Cô Nguyễn Thị Tươi, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Pố bên học trò.

Bùi Xuân Vinh - thầy giáo trẻ ở vùng cao Điện Biên Đông, người mà tôi trân quý và cảm phục mỗi khi gặp. Dù tuổi đời còn khá trẻ, song bằng tình yêu nghề, thầy Vinh đang dành tuổi thanh xuân để gắn bó với nghề giáo vùng cao.

Khi biết tôi ngỏ ý viết về mình, thầy Vinh vừa cười, nửa xua tay bảo: “Em có gì đâu mà viết, ở vùng cao, còn nhiều thầy cô khác cũng vất vả chẳng kém, đáng được động viên hơn...”.

Sau một hồi thuyết phục, trong ánh mắt nhân hậu, thầy Vinh chậm rãi kể về những kỷ niệm và quá trình công tác của bản thân. Anh bảo, hơn 8 năm công tác ở Điện Biên Đông, từ một người xa lạ, giờ đây đã xem mảnh đất này như quê hương thứ hai; bà con như người nhà của mình. “Trước khi rời quê hương Lào Cai em chỉ biết đến Điện Biên qua lời kể của bạn bè. Quá trình tìm hiểu trên sách, báo, em đánh liều “phượt” một chuyến đến Điện Biên. Chẳng biết cơ duyên thế nào, đến đây em cảm giác có gì đó rất gần gũi, thân thiện. Bởi vậy mà sau chuyến đi đó, em quyết định trở lại Điện Biên và gắn bó với mảnh đất này đến tận hôm nay” - thầy Vinh kể.

Nhận công tác ở vùng đất mới năm 2015, ban đầu thầy Vinh được phân công giảng dạy ở điểm trường mầm non Háng Tàu, xã Sa Dung. Hơn 1 năm sau thì được điều động sang giảng dạy ở xã Phì Nhừ. Gần 6 năm thực hiện nhiệm vụ ở đây, thầy Vinh luôn “ga lăng” nhận giảng dạy ở những điểm bản khó khăn nhất của xã. Từ điểm Chống Sư A, Chống Sư B cho đến Từ Xa B. Từ điểm trường trung tâm đến các điểm bản này phải gần chục cây số đường đất, hễ mưa thì có khi phải mất cả ngày mới tới được điểm bản.

“Thời gian đầu, do chưa quen với môi trường làm việc, điện không có, nước thiếu… nên từng nghĩ hay là mình dừng lại? Nghĩ rồi lại thấy thương lũ trẻ. Biết trên vai trọng trách nặng nề, em quyết định vững chí theo ước mơ. Lâu rồi cũng quen, quen trường, quen lớp, quen công việc, quen học trò. Kể từ đấy, tình yêu nghề bắt đầu nhen nhóm và cho đến tận hôm nay. Giờ thì em không còn suy nghĩ ấy nữa. Chỉ muốn cống hiến hết mình ở nơi đây” - thầy Vinh chia sẻ.

Hơn 8 năm “gieo chữ” trên mảnh đất Điện Biên Đông, thầy Vinh đã vận động rất nhiều học sinh ở độ tuổi tới lớp. Chưa kể ngày ngày, mọi việc tắm, giặt, nấu ăn… cho các em đều một tay thầy lo hết, bởi bố mẹ các em làm ở nương xa, sáng đi tối mới về. Cuộc sống dù khó khăn vất vả nhưng với thầy Vinh, đó là niềm vui mang lại hạnh phúc và là nghị lực để thầy bám bản “trồng người”.

Công tác trong ngành Giáo dục đã vất vả, giảng dạy ở vùng cao còn gian khó bộn phần. Song với tình yêu, sự tâm huyết với nghề, mọi khó khăn, gian truân nào rồi cũng sẽ qua. Đó cũng là suy nghĩ của cô Đinh Thị Yến, giáo viên đang đứng lớp ở điểm trường mầm non Pú Vang, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà). Cô Yến cho biết, 6 năm gắn bó trên mảnh đất này, bản thân hiểu được nỗi khổ của người dân nơi đây. Thiếu điện, khan hiếm nước sinh hoạt… nhưng dù có khó khăn đến mấy, cô cũng muốn được cống hiến bằng cả trái tim mình để dành cho học sinh “mỗi ngày đến người là một ngày vui”.

“Ở đây, đời sống nhân dân khó khăn lắm, có lúc cả bản đều là hộ nghèo. Nhiều gia đình nghèo đói quanh năm do vậy chăm lo cho các con đến lớp rất sơ sài, nhiều bé áo quần mong manh với những đôi chân trần nứt nẻ, mặt mũi nhem nhuốc... Thấu hiểu sự khó khăn của các gia đình, thầy cô giáo chúng em thường xuyên kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức từ thiện hỗ trợ quần áo, giày dép, đồ dùng học tập cho học sinh. Có lúc em cũng thấy mệt, nhưng mình còn trẻ, không vì một chút khó khăn, vất vả mà vội nản lòng. Chỉ cần tâm mình muốn, tim mình vui thì có khó khăn đến mấy cũng đều có thể vượt qua” - cô Yến nở nụ cười chất phác.

Ở Điện Biên, mỗi huyện, thị đều có đặc thù vùng miền khác nhau. Với huyện biên giới Mường Nhé thì càng khó khăn bội phần. Dẫu vậy, vượt lên những gian nan, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Tươi, hiện đang công tác tại Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Pố luôn được đồng chí, đồng nghiệp yêu mến. Trong quá trình hơn 10 năm công tác, cô cũng được nhiều cấp, ngành biểu dương khen thưởng. Cô Tươi bộc bạch: “Quê ở Thái Bình lên Điện Biên lập nghiệp, bản thân em đã từng công tác ở những điểm bản khó khăn trên địa bàn huyện. Được ăn, ở và được cảm nhận bao nỗi khó khăn của học sinh vùng cao, em càng cảm thấy trân quý nơi này hơn. Bởi vậy mà em luôn mong muốn được cống hiến tuổi trẻ của mình để chắp cánh những mơ ước tương lai cho học trò vùng biên...”.

Chúng tôi hiểu, dù là ở nơi đâu, vùng sâu, vùng xa hay biên giới thì làm nghề giáo nơi nào cũng có khó khăn vất vả. Với thầy Vinh, cô Yến hay cô Tươi cũng vậy,  quên đi khó khăn về vật chất, khoảng cách về địa lý, với tình yêu sự nghiệp “trồng người”, các thầy, các cô đã, đang và sẽ cống hiến hết mình bằng cả trái tim với “ngọn lửa” nghề không bao giờ tắt!. Họ cũng chính là những tấm gương sáng trong phong trào thi đua học tập và làm theo Bác khi không ngừng nỗ lực trở thành những thầy giáo tốt, như lời dặn của Bác: “...Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất..., những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh...”.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top