Vấn đề tuần này

Thêm cơ hội cho học sinh đến trường

08:19 - Thứ Năm, 25/05/2023 Lượt xem: 4332 In bài viết

ĐBP - Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô kết luận: thống nhất mức thu học phí đối với các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bao gồm cả giáo dục thường xuyên cấp tiểu học là 50.000 đồng/tháng/học sinh; đối với cấp THPT và giáo dục thường xuyên cấp trung học là 100.000 đồng/học sinh/tháng; đối với học phí năm học 2024 - 2025 vẫn giữ nguyên mức thu như năm học 2023 - 2024…

Đây là thông tin đáng mừng, làm vui lòng rất nhiều người dân, nhất là các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi học sinh các cấp trong tỉnh. Vì rằng, vào đầu các năm học, các bậc phụ huynh phải lo nhiều khoản đóng góp, mua sắm sách vở, dụng cụ học tập… cho con em mình, tốn kém rất nhiều tiền của.

Với các gia đình là công chức, viên chức Nhà nước, hộ thương nhân, gia đình sinh sống ở vùng thuận lợi, việc đóng góp học phí cho con em hàng tháng, hàng năm không là vấn đề. Nhưng với các gia đình sống ở khu vực vùng II, vùng III, hộ nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội… thì nỗi lo các khoản đóng góp, mua sắm sách vở, quần áo cho con em vào đầu năm học là rất lớn. Không ít gia đình phân vân có nên cho con em tiếp tục theo học hay ở nhà làm nương phụ giúp bố mẹ kiếm miếng cơm manh áo qua ngày.

Với hàng chục nghìn học sinh các cấp, đồng nghĩa phụ huynh các em rất quan tâm đến chủ trương thu học phí hàng năm của tỉnh. Năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023, mức đóng học phí của học sinh theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Theo đó, cấp mầm non mức thu học phí 25.000 - 40.000 đồng/tháng; trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở 10.000 - 25.000 đồng/tháng và trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông 15.000 - 35.000 đồng/tháng (tuỳ khu vực).

Đây là mức thu học phí khá thấp so với Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Quy định mức thu học phí theo Nghị định 81/NĐ-CP đối với cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi như Điện Biên: cấp mầm non từ 50 - 110 nghìn đồng/học sinh/tháng; tiểu học 50 - 110 nghìn đồng/tháng; cấp tung học cơ sở 50 - 170 nghìn đồng/tháng và cấp trung học phổ thông 100 - 220 nghìn đồng/tháng.

Điều này cho thấy, khung học phí theo Nghị quyết số 09/NQ - HĐND tỉnh ban hành đã căn cứ, tính toán rất kỹ lưỡng và khoa học về điều kiện kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Với một tỉnh có 30,35% hộ nghèo, 9,63% hộ cận nghèo, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền, thành phần dân tộc khá lớn thì mức thu học phí như vậy là rất có lợi cho người dân.

Như chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô, trong năm học 2023 - 2024 và 2024 - 2025 mức học phí UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 09, mức thu học phí có tăng lên so với năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023. Tuy nhiên, với mức thu này thì các gia đình có con em trong độ tuổi đi học vẫn được hưởng lợi rất nhiều. Bà con giảm được gánh nặng về học phí, đồng nghĩa nỗi lo “cơm áo gạo tiền” hàng năm cũng giảm.

Như phân tích, với mức thu học phí theo Nghị quyết 09/NQ-HĐND, thì đang ở ngưỡng “dưới sàn” so với Nghị định 81/2021/NĐ-CP, có nghĩa tỉnh “hụt” nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là tạo mọi điều kiện tốt nhất để con em đều được đến trường học tập. Tỉnh áp dụng các chính sách theo quy định để miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho học sinh theo đúng đối tượng, vùng miền, khu vực… Với cách làm này, đã tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho học sinh được đến trường học tập đầy đủ; giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học dở chừng, không gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo cũng như nguồn nhân lực của địa phương.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top