Gỡ khó Chương trình mới lớp 3

16:05 - Thứ Năm, 25/05/2023 Lượt xem: 9085 In bài viết

ĐBP - Năm học 2022 - 2023, giáo dục tiểu học triển khai Chương GDPT 2018 tiếp tục với lớp 3 và dạy học bắt buộc 2 môn: Tiếng Anh, Tin học. Việc này không khó đối với những vùng thuận lợi, song lại là bài toán nan giải với những trường vùng khó, vùng xa. Tại tỉnh Điện Biên, dù còn nhiều khó khăn, song cơ bản các trường và đội ngũ giáo viên đã chủ động, linh hoạt trong dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 3.

Giờ học Tin học tại Điểm trường Na Hai, Trường Tiểu học Pom Lót, huyện Điện Biên.

Linh hoạt tháo gỡ

Trường Tiểu học Pom Lót (huyện Điện Biên) bước vào triển khai 2 môn bắt buộc với 3 giáo viên Tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học, nhưng phải đảm bảo dạy học cả điểm trường chính và 2 điểm lẻ; cơ sở vật chất tại các điểm trường còn hạn chế. Dựa trên điều kiện thực tế, trường đã tháo gỡ bằng cách bố trí thời khóa biểu linh hoạt nhất, tận dụng tối đa cơ sở vật chất để hỗ trợ học trò.

Cô giáo Lê Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2022 - 2023, Trường có 5 lớp 3 với 120 học sinh. Tại 2 điểm trường lẻ 36 học sinh lớp 3, trường sắp xếp lịch dạy Tiếng Anh, Tin học theo tuần vào buổi chiều để giáo viên thuận tiện di chuyển và dạy cuốn chiếu theo từng điểm. Đối với môn Tin học, để đáp ứng điều kiện triển khai môn bắt buộc ở lớp 3, trường được hỗ trợ 30 bộ máy tính. Cùng với đó, trường bố trí phòng học chuyên dụng, đầu tư đường mạng, lắp đặt internet cũng như các điều kiện cần thiết. Tuy nhiên, không thuận lợi như điểm trường chính, tại 2 điểm trường lẻ, việc triển khai giảng dạy môn Tin học gặp không ít khó khăn khi không có phòng học và thiết bị phục vụ giảng dạy.

Có mặt tại điểm trường Na Hai (Trường Tiểu học Pom Lót) trong giờ học Tin học của học sinh lớp 3, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến các em học sinh đang hào hứng, thích thú thao tác trên máy tính. Giáo viên Đỗ Văn Vũ cho biết: Các điểm trường lẻ mạng internet, điện lưới không ổn định nhưng vẫn phải triển khai dạy học môn Tin học. Ban Giám hiệu đã yêu cầu giáo viên dạy đủ, chắc phần lý thuyết. Phần thực hành, ngoài 3 máy tính xách tay được mua từ nguồn huy động xã hội hóa (đóng góp của phụ huynh và giáo viên); trường huy động thêm máy tính xách tay của cán bộ, giáo viên mang tới cho học sinh thực hành kỹ năng cơ bản. Mạng internet chưa ổn định, giáo viên đăng ký dịch vụ 4G để đảm bảo tốt việc giảng dạy kiến thức cho các em.

Tại Trường Tiểu học Tủa Thàng số 2 (huyện Tủa Chùa), thực hiện Chương trình GDPT mới, Trường nỗ lực triển khai đảm bảo về nguồn lực - nhân lực. Hiện trường có 80 học sinh lớp 3, học tại 3 lớp. Để bảo đảm cơ sở vật chất, đủ số lượng giáo viên triển khai Tiếng Anh, Tin học bắt buộc với lớp 3, một trong những giải pháp được thực hiện là dồn học sinh ở điểm lẻ ra trung tâm. Nhờ vậy, dù điều kiện triển khai 2 môn Tiếng Anh, Tin học còn khó khăn nhưng cũng được tháo gỡ phù hợp từ năm đầu triển khai.

Nỗ lực để dạy học trò

Đi liền với sự chủ động của ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục trong triển khai công tác giảng dạy, chuẩn bị cơ sở vật chất thì tâm thế, nhận thức, sự chủ động vào cuộc của đội ngũ giáo viên cũng quyết định không nhỏ tới thành công, hiệu quả quá trình triển khai Chương trình GDPT mới.

Với đặc thù 99% học sinh là dân tộc thiểu số, việc học Tiếng Anh đối với học sinh tại Trường Tiểu học Tủa Thàng số 2 (huyện Tủa Chùa) gặp nhiều khó khăn. Thầy giáo Sùng A Tùng, giáo viên Tiếng Anh chia sẻ: Do học sinh đều là học sinh dân tộc thiểu số nên phương ngữ khi phát âm Tiếng Anh thực sự là trở ngại. Bên cạnh đó, trình độ học sinh không đồng đều, phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học ngoại ngữ của các em tạo nên áp lực khá lớn đến giáo viên nhà trường. Một khó khăn khác của trường là, hiện nay cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục khi trường mới chỉ có phòng Tin học mà chưa có phòng học Tiếng Anh.

Khó khăn là thế, song môn học Tiếng Anh đối với học sinh lớp 3 tại trường lại được giáo viên “giải khó” bằng cách mang đài đến từng lớp học để giúp học sinh phát triển kỹ năng nghe hay tự làm đồ dùng học tập để phục vụ cho công tác dạy học. Không chỉ thế, vào cuối giờ học buổi chiều hoặc vào các buổi tối trong tuần khi các em học sinh bán trú có nhu cầu, giáo viên sẵn sàng tăng giờ để giảng dạy thêm. Không có máy chiếu, tivi, giờ học Tiếng Anh tuy giản đơn nhưng rất sôi nổi, ấn tượng, thầy Tùng chia sẻ: Bắt đầu cho các em làm quen dần từ những cái đơn giản nhất, những từ đơn lẻ, vừa dạy vừa chơi với các em; đặc biệt là sử dụng hành động, ngôn ngữ hình thể để tạo hứng thú, giúp các em tiếp thu bài giảng tốt hơn.

Còn đối với thầy giáo Đỗ Văn Vũ, giáo viên Tin học (Trường Tiểu học Pom Lót), hành trình “gieo” công nghệ thông tin tới các điểm trường không chỉ có giáo án mà còn có cả những chiếc máy tính xách tay. Tuỳ vào điểm trường, thầy giáo sẽ mang số lượng máy phù hợp. Những chiếc balo mang theo máy tính hay những ổ điện đủ loại đã trở thành đồ dùng quen thuộc đồng hành cùng thầy giáo tới các điểm trường.

Thầy Vũ cho biết: Các em học sinh ở các điểm trường lẻ, không hề có khái niệm về tin học, không biết sẽ học những gì ở môn học này nên tôi thường dành nhiều thời gian hơn để có giới thiệu cho các em hiểu. Tuy lần đầu được tiếp cận với môn học mới, máy tính, xem những đoạn video, những gợi ý thú vị, tôi cũng dần giúp các em hiểu biết thêm về máy tính nên bạn nào cũng hào hứng. Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, mặt mũi lấm lem song luôn tươi cười mừng rỡ mỗi khi đón thầy giáo tới điểm trường khiến mọi vất vả, khó khăn, lo lắng trong tôi như tan biến.

Vừa dạy vừa gỡ khó, bằng các phương án linh hoạt, cụ thể, ngành giáo dục tỉnh nói chúng và các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên nói riêng, đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, về lâu dài chắc chắn vẫn cần những biện pháp căn cơ, kế hoạch dài hơi cho việc dạy và học, đặc biệt là của các địa bàn vùng cao, vùng sâu vùng xa, nhất là khi áp dụng chương trình mới trong thời gian tới.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top