Các cấp học ở Ta Ma chật vật vì thiếu nước

10:00 - Thứ Tư, 14/06/2023 Lượt xem: 5447 In bài viết

ĐBP - Dù mùa mưa đã đến, các trường trên địa bàn xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo vẫn “đi tìm” nguồn nước. Nhiều năm qua, thầy và trò Ta Ma có nhiều biện pháp để dẫn nước, đồng thời luôn phải chắt chiu từng giọt nước để đảm bảo nấu ăn và sinh hoạt. Việc khoan giếng cũng được đưa ra, tuy nhiên nhiều lần khoan thăm dò mà không có nước. Hè này, thầy cô nơi đây vẫn nuôi hy vọng có nguồn nước đủ dùng cho những năm học tới.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Ta Ma xin, mua nước của người dân về sử dụng cho nhà trường trong năm học.

Cả 3 trường (mầm non, tiểu học và THCS xã Ta Ma) nằm sát nhau trên một quả đồi cao. Bao năm nay, nước vẫn luôn khan hiếm ở nơi này, nhất là vào mùa khô, mùa đốt nương. Từ năm 2000, các trường cùng nhau tìm mó nước, mua hệ thống đường ống dẫn nước về. Do khoảng cách xa 5km, trâu bò của người dân thả hoang thường xuyên dũi phá, nên đường ống nhiều lần bị rò rỉ, vỡ. Có thời điểm, cả đêm chỉ hứng được 5m3 nước. Thầy cô các trường liên tục phải kiểm tra, sửa chữa đường ống. Vì thế đầu năm 2023, các trường cùng góp công, góp của sửa chữa, thay mới 1.000m ống dẫn nước.

Thầy Phan Văn Đạt, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Ta Ma dẫn chúng tôi đến hệ thống ống chia nước. Chỉ từng mối ống, thầy bảo: “Ống mới rồi nhưng nguồn mó nước hạn chế cộng với thời tiết khô hạn nên các trường vẫn thiếu nước sử dụng. Chúng tôi phải chia giờ lấy nước. Hệ thống ống cùng các van này là lấy nước theo khung giờ đã sắp xếp. Cụ thể, Trường Mầm non hứng nước từ 6 - 10 giờ sáng, tiểu học dùng từ 10 - 19 giờ, còn THCS thì từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau”.

Dù trường THCS được ưu tiên thời gian hứng nước lâu hơn do nhu cầu sử dụng lớn hơn, nhưng lượng nước vẫn không đủ sử dụng. Năm học vừa qua (2022 - 2023), Trường có 379 học sinh, trong đó 210 học sinh bán trú. Từ khoảng thời gian sau tết đến trước khi nghỉ hè, thầy và trò nhà trường luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. “Vào mùa khô, nước được sử dụng chính cho việc nấu ăn bán trú, còn việc tắm giặt thì vận động học sinh vào bản lân cận, dùng nhờ các hộ gia đình. Nước được ưu tiên dùng cho học sinh, thầy cô thì đi mua nước của dân với giá 100.000 đồng/m3. Nhà trường không chỉ trông chờ vào nguồn nước mó mà đã lắp đặt hệ thống hứng nước từ mái nhà với 12 téc nước luôn sẵn sàng sử dụng (dung tích 1,5 - 5m3) nhưng không khi nào được sử dụng thoải mái. Cả thầy và trò đều khao khát nước. Sau nhiều ngày nắng nóng, có mưa xuống, học sinh ùa ra tắm mưa, nghịch nước” - thầy Đạt chia sẻ thêm. Cũng bởi vậy, dù có diện tích đất trống, quy hoạch làm vườn rau cho học sinh nhưng trường không thể triển khai do không có nước tưới.

Trường Mầm non Ta Ma cũng chung tình trạng thiếu nước. Hiện trường có trên 462 học sinh, 100% trẻ ăn sinh hoạt, ăn ở trường từ sáng đến chiều, nhu cầu dùng nước lớn. Trước tình trạng thiếu nước, trường phải vận động giáo viên nhường nước sinh hoạt cho trẻ, còn các cô sẽ cố gắng tự khắc phục đi xin nước hoặc mua nước. Hàng ngày, các cô đều xem thông tin dự báo thời tiết như một phần công việc của mình. Khi đài dự báo có mưa là sẵn sàng các thùng, bể chứa, dọn sạch máng, đường ống dẫn nước để “đón” nước. Cô Hà Thị Mến, Hiệu phó nhà trường trao đổi: “Lượng nước hứng được cũng phải chắt chiu lắm mới đủ để nấu ăn và vệ sinh cho các con. Còn ở các điểm bản nhiều khi thiếu nước quá phải chấp nhận mua nước để dùng”.

Ở các trường tại địa bàn Ta Ma, mỗi khi có ai mở nước sử dụng, rửa tay chân, giặt đồ là những người xung quanh thường nhắc: “Vặn nước nhỏ, đủ dùng”. Dù ý thức sử dụng nước một cách tiết kiệm đã trở thành thói quen trong mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh nhưng việc nhắc nhở nhau chắt chiu từng ca nước vẫn luôn thường trực. Với mong muốn khắc phục tình trạng này, đã 2 lần các trường mời được các tốp thợ lên khoan giếng. Nhưng cả 2 lần đều không thành công. Thầy giáo nơi đây tâm sự: “Thầy trò các trường mong ngóng, kỳ vọng, thấy máy móc, thợ từ Điện Biên về làm là vui mừng lắm. Nhưng họ khoan 3 ngày liên tiếp, sâu hàng chục mét mà vẫn không có nước. Khi các bác ấy rút quân đi, thầy trò, ai cũng bùi ngùi”.

Không từ bỏ, để đảm bảo nước sinh hoạt, góp phần giúp giáo viên và học sinh yên tâm dạy và học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo cùng các trường vẫn tiếp tục  mời các đơn vị lên khoan thăm dò ở các vị trí khác nhau. Cùng với đó kêu gọi các mạnh thường quân, tổ chức, đơn vị quan tâm hỗ trợ các trường có các giải pháp hiệu quả giúp tích nước, dẫn nước cho thầy và trò sử dụng.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top