Nhận diện và ngăn chặn các hành vi gian lận thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bằng cách nào?

09:17 - Thứ Ba, 27/06/2023 Lượt xem: 5374 In bài viết

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra trong ngày 28 và 29/6 với hơn 1 triệu thí sinh tham dự. Đây là kỳ thi có quy mô lớn, số lượng thí sinh dự thi đông nên công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống gian lận thi luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm.

Các  chuyên gia cho rằng, phương thức, thủ đoạn gian lận thi cử bằng các thiết bị công nghệ cao hiện không mới nhưng ngày càng tinh vi khi các đối tượng tự mua lẻ các thiết bị trên thị trường để tích hợp lại. Điều này cho thấy, nguy cơ sở hữu các thiết bị nghe, nhìn, thu phát sóng từ xa để gian lận thi cử vẫn luôn hiện hữu, đòi hỏi phải có giải pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Chủ động rà soát và xử lý hành vi mua bán thiết bị gian lận thi

Thông tin về công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Bộ Công an đã xây dựng và ban hành kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Kế hoạch này đã được triển khai thực hiện nghiêm túc tại các cục nghiệp vụ của Bộ cũng như tại Công an các tỉnh, thành phố.

Công an tại các địa phương cũng đã xây dựng các kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo thi quốc gia cũng như Ban Chỉ đạo thi của các tỉnh/thành phố và các đơn vị trong ngành giáo dục để công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo và nội dung kế hoạch của Bộ Công an.

Lực lượng Công an tham gia đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều khâu, các khâu đều ứng dụng công nghệ thông tin. Trong bối cảnh an ninh mạng diễn biến phức tạp, cần cảnh giác với các hoạt động tấn công mạng nhằm vào các hệ thống công nghệ thông tin, các cổng thông tin phục vụ cho kỳ thi. Ngay từ sớm, Bộ Công an cùng với các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT đã phối hợp kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin của các hệ thống công nghệ thông tin và các cổng thông tin điện tử phục vụ cho kỳ thi. Qua kiểm tra, một số tồn tại đã được khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn an ninh phục vụ cho công tác thi tốt nghiệp THPT. Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cũng đã rà soát các thông tin trên mạng để chấn chỉnh kịp thời những trường hợp đưa thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của kỳ thi, nhất là các hội nhóm liên quan đến thi cử có đông học sinh, phụ huynh tham gia.

Đối với các thiết bị có thể được sử dụng để gian lận trong kỳ thi, đặc biệt là thiết bị công nghệ cao, Bộ Công an đã và đang tiếp tục tăng cường thực hiện rà soát, phát hiện và xử lý những hành vi mua bán các thiết bị ghi âm, ghi hình, gian lận thi cử.

Để đảm bảo an toàn, an ninh cho kỳ thi, Bộ Công an chú trọng tập huấn, lưu ý với cán bộ tại các điểm thi về thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu trữ tại các điểm thi, tránh xảy ra những sai sót không đáng có trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Bên cạnh đó, các địa phương, các điểm thi cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm quy định có khu vực riêng để đồ dùng, tư trang cá nhân của thí sinh theo đúng quy định, cách khu vực thi tối thiểu 25m.

Phát hiện hành vi gian lận: Cán bộ coi thi đóng vai trò quan trọng

Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Phó trưởng Phòng 10, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an cho biết: Gian lận, tiêu cực theo phương thức sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ không chỉ diễn ra với thí sinh mà còn với cả giáo viên và phụ huynh. Với các thí sinh trong phòng thi, các hành vi sử dụng thiết bị để gian lận trong phòng thi được thực hiện bởi các thiết bị điện tử tinh vi, siêu nhỏ, có thể liên kết với các thiết bị có gắn sim điện thoại có kết nối 3G, 4G để hỗ trợ cho việc gọi, nghe lời giải từ bên ngoài đưa vào. Các thiết bị này được thiết kế, ngụy trang dưới nhiều hình thức, có thể là thẻ ATM, bút viết, kính mắt, chìa khoá xe máy, ôtô, hay đồng hồ thông minh. Các thiết bị này có hình dạng giống các đồ vật thông dụng, được thiết kế nhỏ gọn, gắn với các đồ vật đó.

Để thực hiện hành vi gian lận, những thiết bị đó có 2 thành phần chính. Đó là thành phần trong phòng thi và thành phần ngoài phòng thi. Trong phòng thi thì gắn với thí sinh, cơ bản có 2 bộ phận gồm tai nghe và “thiết bị thu phát”. Tai nghe phổ biến là dạng siêu nhỏ, chỉ bằng hạt ngô, hạt đậu đút vào trong lỗ tai, sử dụng kết nối không dây đến bộ thu phát (có thể là ở bất kỳ chỗ nào, túi quần, áo, thậm chí giầy dép). Còn bên ngoài phòng thi thì gắn với bất kỳ địa điểm nào với đối tượng bên ngoài. Do thí sinh sẽ thực hiện gắn tai nghe vào tai trước khi vào phòng thi, vì các thiết bị này rất nhỏ nên giám thị khó nhận biết.

Về phương pháp nhận biết các thiết bị gian lận, Thượng tá Nguyễn Trọng Thái đưa ra 6 phương pháp, tuỳ theo điều kiện cụ thể để áp dụng. Trong đó, 3 giải pháp là sử dụng phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn đường truyền của thiết bị kiểm soát. Tuy nhiên, với một kỳ thi có quy mô lớn, các giải pháp kỹ thuật này rất khó triển khai. Vì vậy, theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, giải pháp khả thi nhất, dễ thực hiện nhất đó là các phương pháp quan sát đồ đạc, vật dụng của thí sinh mang vào phòng thi, kiểm tra để nhận biết dấu hiệu khác với bình thường, qua đó ngăn chặn được hoạt động gian lận.

"Trước thời gian thi, cán bộ coi thi cần quán triệt kỹ về quy chế, trong đó có những vật dụng được phép mang vào phòng thi. Cách thức kiểm tra là quan sát kỹ toàn bộ bề mặt của các vật dụng để xác định dấu hiệu bất thường. Thứ hai là quan sát biểu hiện tâm lý không bình thường của thí sinh. Vì áp lực tâm lý, thí sinh sử dụng thiết bị gian lận sẽ luôn luôn thụ động; từ đó phát sinh biểu hiện khác thường như lo lắng, hồi hộp, mất tự nhiên. Khi nhận đề, thí sinh có biểu hiện như lẩm nhẩm đọc đề để máy thu; quá trình làm bài không tập trung, thể hiện ở việc trông chờ thông tin từ ngoài đưa vào… Nói chung, có rất nhiều hành vi cán bộ coi thi có thể để ý, nhận biết được. Thứ 3 là quan sát các hoạt động bất thường của thí sinh, như tay vuốt vào đồng hồ, gọng kính...", Thượng tá Nguyễn Trọng Thái lưu ý và cho rằng cán bộ coi thi tại các phòng thi có vai trò hết sức quan trọng. Do đó, bên cạnh công táctập huấn, cũng cần quan tâm lựa chọn cán bộ coi thi có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm cao.

Hiện nay, trên thị trường, các thiết bị kỹ thuật công nghệ có thể được sử dụng để gian lận thi cử có nhiều mức giá, từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng. Nếu thí sinh và phụ huynh cố tình gian lận,họ sẵn sàng bỏ tiền mua sắm các thiết bị này. Vì vậy, các cán bộ làm công tác tổ chức thi không được chủ quan, lơ là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm (nếu có).

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top