Góc nhìn giáo dục: Kiểm soát điểm chuẩn

09:53 - Thứ Hai, 10/07/2023 Lượt xem: 4527 In bài viết

Kết quả xét tuyển sớm năm học 2023-2024 mà nhiều trường đại học vừa công bố cho thấy điểm chuẩn tuyển sinh dù ở mức “kịch trần” hay “chạm sàn” đều là câu chuyện đáng lo.

Ảnh minh họa/VOV.vn

Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thường là các phương thức xét tuyển như: Học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng... Với phương thức này, nhiều trường có điểm trúng tuyển ở mức rất cao, gần như tuyệt đối 3 môn mới đỗ đại học, trong khi có nơi cứ nộp hồ sơ là trúng tuyển.

Điểm trúng tuyển năm nay của nhiều trường khiến việc học đại học chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Nhiều người cùng chung một nỗi băn khoăn, không biết với mức điểm chỉ 650 điểm (thang điểm 1200), tức là chỉ ở mức 5,4 điểm nếu quy ra thang điểm 10 của ngành y khoa, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, các cử nhân ngành sức khỏe sau khi tốt nghiệp sẽ hành nghề thế nào? Có lẽ câu chuyện vì lợi ích kinh tế, hạ điểm thấp để “vét” thí sinh không chỉ là chuyện của riêng mỗi trường mà còn là trách nhiệm xã hội của các trường đại học. Việc đào tạo tốn thời gian, chi phí, người học ra trường không có khả năng hành nghề là một sự lãng phí. Lãng phí này còn nghiêm trọng hơn cả... tham nhũng.

Điểm thấp lo đã đành, đằng này điểm cao cũng khiến dư luận rất ái ngại. Theo đề án tuyển sinh của nhiều trường, điểm xét tuyển tối đa của từng trường sẽ khác nhau do cộng thêm điểm thưởng. Chẳng hạn, Trường Đại học Ngoại thương là 32 điểm, Trường Đại học Giao thông vận tải là 34 điểm, Trường Đại học Luật Hà Nội 30,3 điểm... Dù đã có những điều chỉnh theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tránh tình trạng điểm chuẩn các tổ hợp-ngành học vượt quá 30 điểm (thang điểm 10) thì vẫn còn rất nhiều ngành có điểm trúng tuyển từ 29,73 đến 30 điểm.

Nguyên nhân dễ nhận thấy của tình trạng điểm chuẩn ngày càng leo thang là sự “không thể kiểm soát” điểm số học bạ từ các trường phổ thông. Thực tế, nhiều thí sinh trúng tuyển bằng hình thức xét học bạ có điểm chuẩn rất cao, nhưng kết quả hai học kỳ đầu tiên tại đại học lại rất thấp, vì vậy mà có trường đã quyết định dừng không tuyển sinh bằng học bạ như Trường Đại học Nha Trang. Về mặt lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu nó phản ánh đúng năng lực học sinh. Việc đánh giá đó phải đồng đều ở tất cả các địa phương và bảo đảm sự công bằng, minh bạch. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, điều này khó bảo đảm khi xét trên phạm vi rộng. Do đó, tình trạng điểm cao ngất ngưởng vẫn trượt đại học không có gì lạ.

Có thể nhận thấy, điểm chuẩn tuyển sinh đại học dù “thượng vàng” hay “hạ cám” cũng đều rất lo ngại. Đã đến lúc ngành giáo dục cần làm thống kê đánh giá tổng thể về sự tăng cao bất thường điểm học bạ trong những năm gần đây để có những giải pháp kìm cơn “lạm phát” điểm chuẩn, giúp các đại học có cơ sở tin cậy để tuyển sinh. Cách thức tuyển sinh đại học cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc dạy và học ở giáo dục phổ thông, do đó đại học tự chủ nhưng không thể thiếu bàn tay điều tiết của cơ quan quản lý, trên nguyên tắc khuyến khích tự chủ sáng tạo nhưng phải đủ tầm điều tiết qua các cơ chế, định ra các tiêu chuẩn, kiểm soát việc thực thi để bảo đảm chất lượng đầu vào, đầu ra. Đi kèm với đó là các chính sách hỗ trợ của nhà nước giúp phát triển giáo dục đại học đúng hướng.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top