Góc nhìn giáo dục

Chăm lo “quốc sách” từ gốc rễ

14:55 - Thứ Hai, 24/07/2023 Lượt xem: 4756 In bài viết

Tỉnh Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với 7,219 điểm. Thông tin này không gây bất ngờ với nhiều người, bởi nhiều năm gần đây, Vĩnh Phúc được Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp vào tốp 10 tỉnh, thành phố có thành tích cao nhất toàn quốc trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (cụ thể: năm 2017 xếp thứ 6, năm 2018 xếp thứ 4, năm 2019 xếp thứ 6, năm 2020 xếp thứ 5, năm 2021 xếp thứ 5, năm 2022 xếp thứ 2).

Trong 25 năm qua, Vĩnh Phúc có 1.460 giải học sinh giỏi cấp quốc gia; 37 giải học sinh giỏi khu vực, quốc tế; liên tục 4 năm vừa qua có học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế. Vĩnh Phúc là một trong 4 tỉnh của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Để có được kết quả này, ít ai biết rằng Vĩnh Phúc sớm có chiến lược chăm lo sự nghiệp giáo dục ngay từ khi tái lập tỉnh năm 1997. Vốn xuất phát điểm từ một tỉnh thuần nông, sau khi đi vào hoạt động ngày 1-1-1997, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã xây dựng, ban hành Đề án 01 về “Phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2000”, tạo điều kiện để giáo dục tỉnh mở rộng và phát triển về quy mô cũng như chất lượng. Tiếp theo những năm sau đó, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên phát triển giáo dục như: Chế độ hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí để hợp đồng giáo viên, nhân viên trường học; chính sách phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập; chính sách thưởng cho học sinh và giáo viên; chính sách đặc thù đối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các trường trung học cơ sở trọng điểm; chính sách phát triển hệ thống trường chuyên, lớp chọn, trường trung học cơ sở, THPT trọng điểm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế...

Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, cơ chế nêu trên, Vĩnh Phúc đã có sự phát triển toàn diện, vững chắc cả về quy mô, chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn, trở thành một trong những điểm sáng về giáo dục của cả nước. Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2030 đạt danh hiệu tỉnh học tập và tham gia vào Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Chúng ta thường nói rằng, muốn cho cây tươi cành xanh lá và nở hoa thơm trái ngọt thì phải dày công, bền bỉ vun trồng, chăm sóc từ gốc rễ. Một con người cũng vậy. Muốn lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất, tâm lý, tinh thần và trở thành người công dân có ích của xã hội phải có sự chăm lo nuôi dưỡng, dạy bảo, giáo dục, dìu dắt của các bậc cha mẹ, thầy cô và sự đồng hành hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội. Nhìn rộng ra, một tập thể muốn lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt cũng cần có sự định hướng, giúp đỡ của các cơ quan lãnh đạo, quản lý cấp trên, mà quan trọng nhất chính là tạo ra cơ chế, chính sách thuận lợi để “xây nền, đắp móng” cho tập thể phát triển ổn định, bền vững, lành mạnh.

Theo khoa học tâm lý giáo dục, tiềm năng của con người là vô hạn. Vấn đề là đánh thức, khai thác tiềm năng đó ra sao để con người có thể phát huy tối đa tiềm năng, biến tiềm năng, khả năng của mình thành hiện thực. Ngành giáo dục có sứ mệnh cao cả đó, nhưng sứ mệnh chỉ được thực thi trên cơ sở cái “cốt vật chất” là nguồn lực đầu tư của nhà nước. Khi giáo dục được xác định là “quốc sách hàng đầu” thì phải thực sự lấy cơ chế, chính sách, nguồn lực ưu tiên là đòn bẩy thúc đẩy giáo dục phát triển.

Bài học về sự đầu tư phát triển giáo dục từ gốc rễ ở Vĩnh Phúc là một kinh nghiệm quý để các địa phương khác có thể tham khảo, vận dụng. Bài học này cũng là lời nhắc nhớ chúng ta không bao giờ lơ là, xem nhẹ nhiệm vụ “quốc sách hàng đầu”, vì đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho con người phát triển toàn diện và trực tiếp góp phần tăng cường sức mạnh quốc gia, vị thế dân tộc trên trường quốc tế.

Theo qdnd.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top