Năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Các sở giáo dục và đào tạo tăng cường tham mưu UBND cấp tỉnh tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu.
So với năm học 2021-2022, số lượng giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông năm học 2022-2023 tăng thêm hơn 7.100 giáo viên. Về biên chế được giao và công tác tuyển dụng giáo viên, theo cơ sở dữ liệu ngành tại thời điểm ngày 31-5-2023, năm học 2022-2023 cả nước tuyển mới được 17.208 giáo viên công lập. Nhiều địa phương còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Theo nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khó khăn chính trong việc chưa tuyển dụng được giáo viên kịp thời cho năm học 2022-2023 là do quy trình phân bổ biên chế và quy trình tuyển dụng giáo viên ở các địa phương mất nhiều thời gian.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Các sở giáo dục và đào tạo tăng cường tham mưu UBND cấp tỉnh tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu. Trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30-12-2022 của Chính phủ, đồng thời rà soát để đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng của địa phương.
Các địa phương cần đẩy mạnh việc thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức trường, lớp và cơ cấu lại đội ngũ viên chức; làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo chuẩn nghề nghiệp và đánh giá kết quả làm việc của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hằng năm để sàng lọc, phân loại, tinh giản biên chế.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy mạnh thí điểm cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ở vùng đô thị, vùng thuận lợi nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng và giảm chi cho ngân sách nhà nước; đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh nghèo, học sinh là đối tượng chính sách.