Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Dự kiến vẫn chung đợt, chung đề

16:00 - Thứ Hai, 07/08/2023 Lượt xem: 4488 In bài viết

Tại họp báo Chính phủ vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, tính đến thời điểm này, khoảng 91% thí sinh đã hoàn thành việc nộp lệ phí xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT (hệ thống).

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Quang Phúc

Theo quy định, đến 17 giờ ngày 6-8, thí sinh sẽ phải hoàn tất việc nộp lệ phí tuyển sinh trên hệ thống. Sau thời gian này, hệ thống sẽ đóng cổng. Sau ngày 6-8, Bộ GD-ĐT sẽ cập nhật dữ liệu và phối hợp với trường để tổ chức quy trình xét tuyển, lọc ảo. Dự kiến ngày 22-8 sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Năm nay, có tổng số hơn 660.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 66% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Năm 2022, tỷ lệ này là 64,07%.

Liên quan đến phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa gửi văn bản tới đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, giải trình về một số băn khoăn, bất cập mà đoàn giám sát chỉ ra, trong đó có vấn đề về thi tốt nghiệp THPT.

Đáng chú ý, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông chỉ ra: Cho đến nay, văn bản hướng dẫn về phương thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành, là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho học sinh trong việc định hướng chọn tổ hợp môn học đối với lớp 10 năm học 2022 - 2023; đội ngũ giáo viên lúng túng trong việc điều chỉnh cách dạy học, phương thức thi, kiểm tra đánh giá. Dư luận xã hội còn băn khoăn về việc tiếp tục thực hiện chủ trương thực hiện 1 kỳ thi chung với 2 mục tiêu: vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng trong điều kiện mở rộng thực hiện tự chủ giáo dục đại học.

Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất từ rất sớm các phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng đánh giá được phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người học; bảo đảm thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới; bảo đảm yêu cầu đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, làm cơ sở cho việc tuyển sinh đại học.

Trong quá trình nghiên cứu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm tốt của quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT; kế thừa và phát huy kết quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia giai đoạn 2015 - 2019, kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2023 và phối hợp với lộ trình đổi mới đánh giá quá trình học tập của học sinh THPT.

Sau ngày 17-5-2023, Bộ GD-ĐT đã có phân tích, đánh giá các góp ý của toàn xã hội để hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, dự kiến đầu năm học 2023 - 2024 sẽ ban hành.

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 về cơ bản kế thừa phương thức và cách thức tổ chức thi như hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ về độ tin cậy của kết quả đánh giá để các bên liên quan có thể khai thác, sử dụng cho các mục đích khác nhau (trong đó có các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển theo tinh thần tự chủ).

Phương thức tổ chức thi chung đề, chung đợt đối với cả môn học bắt buộc và môn học lựa chọn trên phạm vi rộng và cho học sinh tự quyết định chọn môn học để dự thi tốt nghiệp trong các môn học ở trường phổ thông, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với cách thức chọn môn học của học sinh.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để phát huy các ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia trước đây và kỳ thi tốt nghiệp hiện nay để công bố phương án thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng đánh giá đúng năng lực người học, công bằng, công khai, minh bạch, gọn nhẹ, phù hợp hơn với thực tiễn của các địa phương.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top