Bất cập, lãng phí trong thực hiện sách giáo khoa, chương trình mới

15:51 - Thứ Tư, 09/08/2023 Lượt xem: 5036 In bài viết

Mỗi năm các nhà xuất bản (NXB) cho ra lò hàng trăm ngàn bộ sách giáo khoa (SGK) cho các cấp học. Vấn đề là việc các bộ SGK liên tục được thay thế, bổ sung để theo kịp chương trình mới và đặc biệt là có những cuốn thuộc dạng… không cần thiết (!?) đã gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội...

1. Cứ đầu năm học mới, chị Hoàng Dung (một viên chức công tác tại tỉnh Hưng Yên) lại cảm thấy nỗi bức xúc thêm một lần bị đẩy lên. 2 lần sinh nở, chị Dung có 4 đứa con (một lần chị sinh 3) nên mỗi khi chuẩn bị vào năm học, chị phải mua liền một lúc 4 bộ SGK. Năm nay số tiền chị phải bỏ ra để mua 1 bộ SGK lớp 4 là hơn 450 ngàn đồng, 3 bộ SGK lớp 2 là hơn 270 ngàn đồng/bộ. Tổng cộng, chị phải chi ra hơn 1,2 triệu đồng chỉ riêng cho SGK.

Điều đáng nói ở đây là trong số 24 cuốn SGK lớp 4, thì có tới một nửa là sách bài tập. Mà, những cuốn này học sinh chỉ dùng một lần là bỏ, vì các con sẽ điền vào những chỗ trống có sẵn. Do đó, chị Dung muốn “tiết kiệm” 1 bộ SGK cũng không được.

Cuốn "Giáo dục thể chất" được nhiều phụ huynh cho rằng không cần thiết, lãng phí.

"Tôi nhớ, mấy năm trước có mua SGK cho cháu đi học, mỗi bộ giá chỉ tầm 50 ngàn đến 100 ngàn đồng. Thế mà chỉ sau chừng 3-5 năm khi con tôi đi học đã phải mua SGK đắt gấp đôi, gấp ba lần" - chị Dung tỏ ra bức xúc.

Anh Đoàn Thảo, viên chức của một bộ tại Hà Nội cũng không kém phần bức xúc thì được hỏi về chuyện SGK của các con. Gia đình anh có 2 cháu, mỗi năm học mới, số tiền phải chi cho 2 bộ sách giáo khoa hết tầm 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. “Đối với gia đình công chức, viên chức thì số tiền này không phải là quá sức, song với con em công nhân, đặc biệt là học sinh dân tộc miền núi thì cũng không phải là số tiền nhỏ. Thêm nữa, khi “soi” kỹ, trong bộ sách Cánh diều mà các cháu đang học có những cuốn như “Giáo dục thể chất" hay “Hoạt động trải nghiệm" là môn cháu rất ít dùng. Hỏi con, các cháu cho biết những cuốn sách trên có mang đến lớp thì cũng hiếm khi được giở ra. Do vậy, cá nhân tôi cho rằng, 2 cuốn sách trên chỉ cần phát hành cho giáo viên là được rồi" - anh cho biết.

“Thử làm một phép tính nhỏ giá bìa của 2 cuốn sách trên tổng là 33 ngàn đồng. Thoạt nghe thì có vẻ... không đáng bao nhiêu, song nếu nhân với số lượng in lần lượt là 170 ngàn cuốn và 200 ngàn cuốn thì tổng cộng số tiền phụ huynh học sinh phải bỏ ra lên tới hơn 12 tỷ đồng - quả là một số tiền không hề nhỏ" - anh Thảo bức xúc nói.

Đề cập đến câu chuyện lãng phí SGK, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từng phải thốt lên: “Tại sao bây giờ khác thế hệ trước, 1 bộ sách không dùng được 2-3 thế hệ? Tại sao lại phải ghi bài tập vào sách giáo khoa? Tại sao lại để phí mỗi năm chúng ta xuất bản hơn 1 triệu cuốn SGK, xã hội mất hàng ngàn tỉ đồng, nhưng đến năm sau không dùng được nữa?”.

2. Ngoài bức xúc về những bất cập, lãng phí trong phát hành SGK các cấp thì các bậc phụ huynh và giáo viên còn bày tỏ băn khoăn khi các con liên tục bị "xoay như chong chóng" khi Bộ Giáo dục Đào tạo thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới.

Chị Nguyễn Hải Yến, giáo viên một trường THPT thuộc tỉnh Hải Dương chia sẻ. Gần đây, cơ quan quản lý đưa ra "Một chương trình - nhiều bộ sách". Mục đích của việc ban hành nhiều bộ sách là tạo ra sự đa thanh, đa sắc, đa cực, cho người dạy và người học được phát huy hết quyền và khả năng của mình. Nhưng, đáng tiếc, không hiểu do nguyên nhân gì mà đằng sau mục tiêu tốt đẹp ấy, một cái "chợ" trong ngành giáo dục hình thành, sách thành miếng mồi béo bở cho cả một hệ thống ăn theo. Cuộc chiến thương mại bắt đầu từ khâu viết sách, thẩm định, duyệt sách, chọn sách... Trên lý thuyết là giáo viên được quyền chọn sách giáo khoa để dạy, nhưng sách gửi về cho giáo viên đọc chỉ là các file hình ảnh kèm lời gợi ý của cấp trên là chọn bộ nào... Và, thực tế, nếu giáo viên có chọn bộ khác thì dạy bộ sách nào lại do cấp có thẩm quyền nào đó duyệt (!?).

"Có những bộ sách giáo khoa chỉ qua vài năm mà giá đã tăng 2-3 lần", một số phụ huynh bày tỏ.

Không những thế, các bộ sách không triển khai chương trình đồng nhất, thậm chí có nhiều sự khác biệt về nội dung, cấu trúc. Có bộ môn, như Toán lớp 7, cùng một nội dung nhưng sách Cánh diều dạy ở kì I mà sách Kết nối tri thức lại thiết kế ở kì II. Kiểu "loạn sách giáo khoa" này làm khó, thậm chí là "đánh đố" những em học sinh không may phải chuyển trường khi vừa phải mua cả bộ sách mới, vừa phải học lại từ đầu.

Cũng không rõ ai có "sáng kiến" tích hợp đem ghép 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học vào chung 1 cuốn sách. Nội dung của từng môn được sắp xếp theo cấu trúc vài chương một phân môn. Theo cấu trúc ấy, những tuần đầu học sinh lớp 6, 7 sẽ học "cuốn chiếu" phân môn Hóa học, thời lượng 4 tiết/tuần. Các tuần tiếp theo sẽ học Vật lý, kết thúc môn Vật lý thì chuyển sang học môn Sinh học. Cách thiết kế máy móc, kém khoa học này dẫn đến sự quá tải với cả học sinh và giáo viên. Trong khi giáo viên người thì "chạy sô" kín tuần không tiết nghỉ, người thì ngồi chơi để chờ đến lượt môn mình thì học sinh học cuốn chiếu hết một môn học, sách vở cất một xó, sang năm học sau mới mở lại môn ấy, kiến thức khó mà ở lại lâu trong đầu học sinh...

“Nếu có toan tính sai lầm thì nên dừng lại"

Để có những ý kiến khách quan, trung thực về vấn đề thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới, phóng viên ANTG đã có cuộc trao đổi hết sức thẳng thắn với bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

- Theo đánh giá của bà, việc chuẩn bị điều kiện để đáp ứng yêu cầu của chương trình, SGK mới như thế nào? Trách nhiệm ở đâu?

+ Nhờ lộ trình đổi mới đề ra trong Nghị quyết 51/2017 của Quốc hội phù hợp và nhờ nỗ lực của toàn ngành Giáo dục nên nhìn chung việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK cho đến nay khá suôn sẻ. Tuy vậy, ở một số địa phương, số học sinh trong lớp vẫn quá đông, khó tổ chức hoạt động theo yêu cầu của chương trình mới.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Ở một số địa phương, các trường tiểu học vẫn gặp khó khăn trong việc bố trí cho học sinh học 2 buổi/ngày và trong việc tìm giáo viên dạy các môn Ngoại ngữ, Tin học. Cán bộ quản lý và giáo viên nhiều trường THCS vẫn lúng túng trong việc dạy các môn học tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý). Hầu hết các trường THPT không có giáo viên dạy các môn Nghệ thuật. Nội dung chương trình đã giảm tải nhưng một số SGK vẫn quá tải, các trường tiểu học vẫn bố trí thời gian trống để dạy “văn hóa”, chứ không dành thời gian cho học sinh vui chơi, giải trí. Trong những hạn chế trên, có hạn chế thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo như: Chưa tập huấn kĩ để giáo viên, nhất là giáo viên các môn học tích hợp, dạy đúng chương trình; chưa kịp thời có các văn bản chỉ đạo việc dạy các môn thiếu giáo viên (như Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật); chưa xây dựng được phương án thi tốt nghiệp THPT phù hợp với yêu cầu của chương trình mới; chưa tổ chức biên soạn được SGK cho học sinh khiếm thị và một số đối tượng đặc biệt khác,...

Bộ cũng có trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, đôn đốc quyết liệt để các địa phương thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16/2018 về đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, SGK Giáo dục phổ thông. Nhưng, ai cũng biết ngành Giáo dục không thể quyết định được 2 yếu tố quan trọng trong hoạt động của mình là nhân lực và tài lực (kinh phí, cơ sở vật chất), nếu không có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền. Vì vậy, trách nhiệm về việc thiếu giáo viên, thiếu trường lớp thuộc về cấp ủy và chính quyền địa phương.

- Một số giáo viên phản ánh, việc bỏ phiếu lựa chọn các bộ SGK trong nhiều trường đang trở nên hình thức, “lý thuyết suông”, thậm chí SGK đã thành “miếng mồi béo bở” cho cả một hệ thống ăn theo. Theo bà, làm thế nào để ngăn chặn “lợi ích nhóm” trong biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK?

+ Tôi nhận được khá nhiều thông tin về việc ý kiến của giáo viên, của cơ sở giáo dục trong lựa chọn SGK không được tôn trọng. Thậm chí, nhiều trường phải làm lại biên bản chọn SGK theo chỉ đạo của cấp trên. Chính vì vậy, 1-2 năm đầu, giáo viên còn dành thời gian nghiên cứu các bộ SGK và thảo luận nghiêm túc để chọn được SGK phù hợp nhưng đến nay, gần như không mấy giáo viên còn dành nhiều tâm huyết cho công việc này nữa. Nguyên nhân nào khiến cho việc lựa chọn SGK bị lệch lạc như vậy thì chỉ những người có quyền quyết định và bộ máy tham mưu của họ mới biết. Nhưng, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tiêu cực này là ở những “lỗ hổng” về pháp lý của Thông tư 25/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi giao toàn quyền quyết định việc lựa chọn SGK cho một hội đồng chọn sách gồm tối đa 15 người ở mỗi môn học bằng biện pháp bỏ phiếu kín (nghĩa là không ai phải công khai trách nhiệm của mình) mà không có bất cứ ràng buộc nào về căn cứ lựa chọn (ví dụ, khi một quyển SGK được bao nhiêu phần trăm các trường lựa chọn thì hội đồng buộc phải lựa chọn). Thông tư cũng cần bổ sung những biện pháp ngăn chặn, xử lý hiện tượng chỉ đạo miệng các trường làm lại biên bản lựa chọn SGK cho hợp ý cấp trên và các hiện tượng tiêu cực khác.

Tôi cũng được phản ánh một số hiện tượng đáng buồn trong các khâu thẩm định, phát hành, tập huấn giáo viên sử dụng SGK. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo các địa phương không chấn chỉnh những hiện tượng “ăn theo SGK” này thì khó lòng hạ được giá SGK, trong khi nhà đầu tư cũng "kêu trời" vì mệt mỏi.

- Có nên tiếp tục xã hội hóa việc biên soạn SGK không? Hay là giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ SGK “chuẩn”, thưa bà?

+ Theo Nghị quyết 88 thì không có bộ SGK nào được coi là “bộ sách chuẩn”, mặc dù tất cả SGK phải đáp ứng được “chuẩn” của chương trình. Quan niệm phải có một bộ sách chuẩn không chỉ trái với chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” của Nghị quyết 88 mà còn không phù hợp với thời đại. Dĩ nhiên, công việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông còn không ít hạn chế, như tôi đã nêu. Nhưng, đó là những hạn chế về quản lý, điều hành, chứ không phải hạn chế của chủ trương xã hội hóa. Việc “ban hành” một bộ SGK “của Bộ Giáo dục và Đào tạo” lúc này không chỉ lãng phí tiền của mà còn dẫn đến đẩy lùi xã hội hóa. Có người đã đặt câu hỏi cho tôi: Liệu có ai đó “cài” lợi ích nhóm vào việc này để độc chiếm thị trường không? Tôi chưa tin có chuyện khuất tất ở đây nhưng tin rằng những diễn biến trên thực tế sẽ cho chúng ta câu trả lời. Chỉ có điều, nếu có toan tính sai lầm thì nên dừng lại.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top