Ðầu tư nguồn lực xây dựng trường lớp học

09:46 - Thứ Năm, 10/08/2023 Lượt xem: 7294 In bài viết

ĐBP - Tri thức là nền tảng vững chắc cho tương lai. Ðối với địa bàn vùng cao, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn như tỉnh ta, thì con chữ càng quan trọng. Với kỳ vọng đưa miền núi phát triển; tỉnh ta dành nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó một phần quan trọng là cơ sở vật chất trường lớp học.

Giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư. Trong ảnh: Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé được đầu tư xây dựng công trình nhà lớp học.

Toàn tỉnh hiện có 480 trường, trung tâm các cấp học, cùng 4 trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với hơn 7.000 phòng học, khoảng 1.400 phòng học chức năng. Hệ thống trường lớp học đã về đến tất cả các xã, bản vùng cao. Toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), 112 trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT). 100% trường tiểu học, THCS, THPT có thiết bị dạy học ngoại ngữ tối thiểu, được lắp đặt mạng internet, đầu tư máy tính, máy chiếu để giáo viên khai thác phục vụ dạy và học.

Tuy nhiên với địa bàn rộng, nhiều xã, bản xa xôi, quy mô trường, lớp, học sinh ngày càng tăng, điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học vẫn chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu, nhất là khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Bởi vậy trong quá trình triển khai nhiều nội dung về giáo dục, đặc biệt là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, các dự án đều xác định mục tiêu, đối tượng là tăng cường điều kiện giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngân sách Nhà nước thông qua các chương trình, dự án của Bộ Giáo dục và Ðào tạo và ngân sách cấp cho địa phương được đầu tư có trọng điểm, ưu tiên các khu vực đặc biệt khó khăn, các công trình giáo dục chưa được kiên cố hóa hoặc đã hư hỏng xuống cấp.

Tại huyện Tuần Giáo, hiện đang có nhiều ngôi trường được xây mới nhà lớp học, phòng bán trú cùng các công trình quan trọng khác. Trong đó có 6 dự án được huy động và sử dụng nguồn lực tài chính từ Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Bao gồm bổ sung nâng cấp Trường Phổ thông DTBT THCS Ta Ma, DTBT THCS Phình Sáng, DTBT Tiểu học Nậm Din, DTBT Tiểu học Bình Minh, DTBT Tiểu học Nà Tòng, DTBT Tiểu học Mường Mùn với tổng vốn đầu tư 83,628 tỷ đồng.

Kỳ nghỉ hè này, thầy và trò Trường Phổ thông DTBT THCS Ta Ma cùng người dân trên địa bàn chung niềm vui khởi công xây trường với nhiều công trình mới, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ giảng dạy và học tập. Không lâu nữa, học sinh nơi vùng cao này sẽ không còn phải nghe giảng trong những lớp học tạm, nửa vách tường, mà mùa nắng thì nóng như rang, mùa đông gió rét lùa xuyên thấu. Thầy Phan Văn Ðạt, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường hiện có 11 phòng học, trong đó 4 phòng kiên cố, 2 lớp học ở phòng chức năng và 5 phòng học tạm. Mới đây, Trường được đầu tư xây dựng mới dãy nhà lớp học 3 tầng (9 phòng), nhà nội trú 2 tầng (10 phòng), nhà công vụ 4 gian, nhà đa năng... trên khuôn viên khoảng 5.000m2, tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng. Cả thầy và trò đều rất vui mừng và mong chờ công trình sớm hoàn thành để các em không còn phải học trong lớp tạm, nhà trường có cơ sở vật chất đảm bảo hơn để thực hiện ngày càng tốt nhiệm vụ giáo dục”.

Không riêng Tuần Giáo, ở các huyện, nhiều công trình mới tại các trường học vùng cao cũng đang được xây dựng, hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo giáo dục. Ðể làm được điều đó, chính quyền các cấp, ngành Giáo dục và Ðào tạo đã tận dụng nhiều nguồn lực, như: Lồng ghép hỗ trợ thực hiện Ðề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025 thông qua chương trình MTQG, chương trình mục tiêu của ngành Giáo dục, các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương...

Có thể kể đến như, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Trong đó tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 (Ðổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông DTNT, DTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số) được phân bổ 597.813 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đào tạo đội ngũ giáo viên cho các trường có học sinh nội trú, bán trú ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ðến đầu năm 2023, 21/68 dự án thuộc chương trình đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Các nội dung thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo của chương trình giải ngân được hơn 60% kế hoạch.

Sở Giáo dục và Ðào tạo, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan cũng đã rà soát nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, từ đó phân bổ các nguồn vốn đề thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Ðào tạo, từ năm 2015 đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã sử dụng 2.013.898 triệu đồng thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông. Trong đó, kinh phí đảm bảo cơ sở vật chất là: 2.009.543 triệu đồng.

Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, ngành Giáo dục, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác truyền thông, kêu gọi xã hội hóa; vận động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm, cá nhân hiến đất, tài trợ, ủng hộ kinh phí để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị trường học và phục vụ các hoạt động giáo dục. Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trường lớp học tỉnh miền núi Ðiện Biên ngày càng khang trang, kiên cố, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học, đưa các thế hệ học sinh “cập bến” tri thức, góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho tương lai.

Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top