Có cần thiết đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại?

09:51 - Chủ Nhật, 13/08/2023 Lượt xem: 6385 In bài viết

Đề xuất xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng nhìn chung, đa số các chuyên gia giáo dục đều cho rằng đây là một đề xuất cần thiết.

Nặng nhọc, độc hại đến mức nào?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã từng chia sẻ, giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của trẻ em. Do vậy, cần có sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ giáo viên mầm non, tạo mọi điều kiện để họ yên tâm công tác và cống hiến.

Ngành giáo dục cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng dường như những nỗ lực ấy không đủ để “kéo” 16.000 giáo viên bỏ việc năm 2022, trong đó có tới 40% là giáo viên mầm non.

Năm học mới 2023-2024 đang đến gần nhưng tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non ở nhiều địa phương vẫn đang rất áp lực. Do đó, đây là lực lượng cần chăm sóc nhiều nhất về chế độ, chính sách, điều kiện làm việc....

Giáo viên mầm non phải quan tâm, chăm sóc trẻ với cường độ cao trong thời gian dài. Ảnh: Khánh Hà 

Dù làm việc trong môi trường “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu” và không có hóa chất độc hại, nhưng nhiều người cho rằng công việc của một giáo viên mầm non phải chịu áp lực cao và có mức lương thấp. Họ phải chăm sóc trẻ nhỏ, một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, tinh tế và phải làm việc trong thời gian dài, cường độ cao. Giáo viên mầm non cũng phải làm việc trong môi trường với nhiều tiếng ồn bởi sự hiếu động và quấy khóc của trẻ em; tiếp xúc với nhiều chất thải từ trẻ em, thậm chí làm việc trong môi trường có nhiều vi khuẩn và virus, do trẻ em thường hay đau ốm...

Đặc biệt, họ chịu áp lực cao trước sự an toàn và sức khỏe của trẻ. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của những giáo viên mầm non.

Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức lương trung bình của giáo viên mầm non ở Việt Nam hiện nay là khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thâm niên công tác, trình độ chuyên môn và vị trí công tác.

Bày tỏ đồng tình với đề xuất xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích: “Giáo viên bậc mầm non có những đặc thù riêng so với các bậc học khác. Họ là những người giúp trẻ phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ và hình thành nhân cách trong những năm đầu đời. Tình trạng giáo viên ồ ạt xin nghỉ việc là do công việc của họ chưa được nhìn nhận đúng mức. Việc xếp giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề độc hại giúp họ hiểu rằng xã hội hiểu, quan tâm đến công việc của họ; đồng thời có sự đãi ngộ tương xứng với công sức mà họ bỏ ra, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của giáo viên mầm non và giúp họ yên tâm công tác và cống hiến, nhất là trong bối cảnh nhiều giáo viên “dứt áo ra đi” tìm công việc khác như hiện nay”.

Nên có chế độ phụ cấp đặc thù

Công việc của giáo viên mầm non là một nghề cao quý và đáng được trân trọng. Nếu mang so sánh hoặc xếp vào nhóm ngành nghề độc hại, nặng nhọc để họ được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại dường như chưa hợp lý. Không ít ý kiến cho việc đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ không giải quyết được những khó khăn mà các giáo viên đang gặp phải. Thay vào đó, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non về lương thưởng, chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc.

Bày tỏ sự chia sẻ với các giáo viên mầm non, TS Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng: “Giáo viên mầm non phụ trách mảng công việc tương đối vất vả. Riêng về giờ giấc, họ phải đi sớm hơn và về muộn hơn so với giáo viên ở các bậc học khác. Giáo viên mầm non cũng có rất nhiều áp lực, họ không được phép có bất kỳ sự sơ sẩy nào, vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ”.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, công việc của giáo viên mầm non không đúng với khái niệm “nặng nhọc” và “độc hại”.

“Theo tôi, công việc của giáo viên mầm non là công việc vất vả chứ không “nặng nhọc” bởi nói đến “nặng nhọc” là nói đến lao động chân tay là chủ yếu, sử dụng nhiều sức lực. Bên cạnh đó, môi trường làm việc của giáo viên mầm non cũng không phải là môi trường độc hại nếu so sánh với các ngành nghề đang được xếp vào nhóm nặng nhọc và độc hại hiện nay...”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích. 

Theo khái niệm, môi trường làm việc độc hại là định nghĩa ám chỉ các cơ sở làm việc có môi trường ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người hoặc môi trường không tốt khiến người lao động cảm thấy sợ hãi và gây ảnh hưởng lâu dài đến tinh thần sau thời gian dài làm việc. Nếu so với các ngành nghề được xếp vào nhóm độc hại hiện nay, giáo viên mầm non hiện đang làm việc trong môi trường tương đối tốt khi các điều kiện về cơ sở vật chất đang được chú trọng đầu tư.   

Với lý do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rà soát, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ để đưa ra một chế độ phụ cấp đặc thù nào đó cho giáo viên mầm non hoặc có cách tính toán nào đó để họ được hưởng quyền lợi.

“Ví dụ, xét về mặt giờ giấc, tại sao chúng ta không tính tiền làm thêm giờ cho giáo viên mầm non thay vì xếp họ vào nhóm các ngành nghề nặng nhọc, độc hại?”, nữ đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng có nhiều cách để hỗ trợ giáo viên mầm non có mức lương đủ sống với nghề, như: Tăng lương, cung cấp các chế độ phúc lợi tốt, xây dựng môi trường làm việc tốt cho giáo viên mầm non... Việc đề xuất đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại là một vấn đề cần được xem xét thấu đáo và khoa học, dựa trên các yếu tố như đặc thù công việc, mức lương và chế độ đãi ngộ của họ, cũng như ảnh hưởng của việc đưa họ vào nhóm ngành nghề này đối với xã hội.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top