Năm học 2023-2024 đã cận kề. Ngoài công tác dạy và học, một trong những vấn đề mà các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường đặc biệt quan tâm là bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên trước hiểm họa của ma túy. Thế nên, các bên đã và đang chung tay thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn ma túy vào học đường.
Cảnh báo ma túy trộn vào đồ ăn, đồ uống
Việc sử dụng các chất ma túy gây ra những tác hại khôn lường đối với thế hệ trẻ, gia đình và xã hội. Trong khi đó, ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhiều học sinh còn non nớt kinh nghiệm trong việc nhận biết mối hiểm họa liên quan đến ma túy tồn tại xung quanh, dẫn đến sa chân vào con đường lầm lỡ.
Năm học 2022-2023 vừa qua, cơ quan Công an cảnh báo không ít vụ việc học sinh sử dụng ma túy. Trong đó, Công an quận Nam Từ Liêm, Công an quận Tây Hồ phát hiện, bắt giữ các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy dưới dạng thực phẩm. Tương tự, Công an huyện Thạch Thất đã bắt giữ một số đối tượng phân phối, bán thuốc lá điện tử chứa chất ma túy cho giới trẻ. Còn Công an quận Hà Đông đã tiếp nhận, giải quyết, khởi tố một số vụ việc liên quan đến học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, trong thuốc lá điện tử có các chất gây nghiện, chất ma túy.
Theo Công an thành phố Hà Nội, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp có mẫu mã, hình thức, chất gây nghiện, chất hướng thần mới. Đáng báo động, ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, nhằm thuận lợi trong giao dịch, mua bán, vận chuyển, lại có thể đáp ứng nhu cầu của “khách hàng” là mang về cất giấu trong nhà, mà người thân khó phát hiện.
Về thủ đoạn, các đối tượng thường nghiền nhỏ ma túy (thuốc lắc), rồi trộn với bột cà phê hoặc pha vào nước ngọt, soda, sau đó đóng thành túi hoặc chai thành phẩm, bán cho khách. Ngoài ra, các đối tượng cũng chế biến cần sa thành bánh với các thành phần khác như bơ, bột mỳ, đường…, rồi rao bán trên mạng xã hội.
Trước thềm năm học 2023-2024, qua điều tra, lực lượng công an tiếp tục phát hiện một số loại ma túy mới “núp bóng” đồ uống, thực phẩm chức năng, mà người sử dụng chủ yếu là học sinh, sinh viên. Đó là “nước vui”, “nước sướng”, “nước xoài” chứa chất lỏng màu vàng; ma túy tổng hợp dạng viên nén hiệu WY, ma túy tổng hợp dạng “đá”…
Tất cả những cái tên nêu trên đều là ma túy tổng hợp. Thế nhưng, không ít người trẻ ban đầu đều cho rằng, sử dụng các loại ma túy mới sẽ không gây nghiện. Đây là quan điểm rất sai lầm. Trên thực tế, ma túy thế hệ mới có khả năng gây nghiện rất nhanh, đồng thời tàn phá hệ thần kinh trung ương, khiến người dùng không điều khiển được hành vi, thường xuyên hoang tưởng. Rất nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra, mà người gây án trong trạng thái ảo giác, hoang tưởng do vừa sử dụng các loại ma túy này.
Tạo “hàng rào” bảo vệ
“Hàng rào” bảo vệ học sinh, sinh viên trước hiểm họa ma túy cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và bản thân mỗi học sinh. Trong đó, việc giúp giới trẻ nhận thức rõ tác hại của ma túy và kỹ năng chủ động phòng, tránh trước những nguy cơ, sự cám dỗ có vai trò đặc biệt quan trọng. Hiểu rõ điều này, trước kỳ nghỉ hè năm 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường chú trọng tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy tổng hợp “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử. Các nhà trường cũng phối hợp với cơ quan công an, Đoàn thanh niên địa phương tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết “3 không với ma túy” (không thử, không giữ, không sử dụng ma túy), đồng thời giáo dục kỹ năng “nói không với ma túy” thông qua nhiều hoạt động bổ ích, lý thú trong dịp hè.
Cùng với đó, các cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với chính quyền các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền trực tiếp về tác hại, cách phòng, chống thuốc lá, thuốc lá điện tử và ma túy. Sau khi tham gia các hoạt động truyền thông, em Lê Văn Thành (sinh năm 2007), trú tại xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn) cho hay: “Để phòng ngừa, chúng em không nên tụ tập, chơi bời với những người bạn xấu; không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc và thấy có biểu hiện nghi ngờ”.
Về phía gia đình, để bảo vệ con, cháu trước hiểm họa ma túy, phụ huynh cần chủ động tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến ma túy; đồng thời dành thời gian quan tâm, đồng hành với con trên bước đường trưởng thành. Chị Trần Minh Ánh, trú tại thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) cho biết: “Từ khi các con học lên bậc trung học cơ sở, tôi coi các con như những người bạn. Tôi dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng con, qua đó kịp thời phát hiện và giúp các con xử lý những vấn đề phức tạp gặp phải. Đôi khi chỉ là những mâu thuẫn nhỏ với bạn bè, dưới cách nhìn của người lớn sẽ là “chuyện trẻ con”, “không có gì đáng ngại”, nhưng ở độ tuổi học đường, đó có thể là chuyện lớn, mà các con không biết giải quyết ra sao, dẫn đến căng thẳng, cô đơn, buồn chán, rồi không may sa chân vào con đường lầm lỡ…”.
Ngoài công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cơ quan công an chủ trì, cùng các bên liên quan thực hiện đồng bộ biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy; tập trung triệt phá những đường dây, ổ nhóm, giải quyết các điểm phức tạp về ma túy. Hoạt động tuần tra, kiểm soát tại những khu vực, địa bàn xung quanh trường học cũng được các bên phối hợp chặt chẽ, hướng tới mục tiêu tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho học sinh, sinh viên yên tâm học tập.