Tháo gỡ điểm nghẽn, mở đường cho tự chủ đại học phát triển

15:08 - Thứ Tư, 16/08/2023 Lượt xem: 4817 In bài viết

Cùng nhau tháo gỡ, thoát ra khỏi điểm nghẽn, đẩy tốc độ phát triển của giáo dục đại học nhanh hơn, mạnh và bền vững hơn nữa là việc rất quan trọng của ngành giáo dục.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học cả nước - Ảnh: VGP/NN

Giáo dục đại học đang trong thời kỳ chuyển đổi

Phát biểu kết luận tại Chương trình gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học, chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, giáo dục phổ thông là nền tảng, còn giáo dục đại học thể hiện tầm cao, chiều sâu của giáo dục nước nhà.

Giáo dục đại học thể hiện tầm vóc trí tuệ con người của đất nước, thể hiện trình độ của đội ngũ trí thức, trình độ khoa học công nghệ và là biểu hiện của sở hữu nhân tài đất nước đó.

Không có quốc gia nào phát triển mà không cần đến một nền giáo dục đại học phát triển. Phát triển giáo dục đại học là một bài toán khó, phức tạp, lâu dài và nhiều thách thức so với giáo dục phổ thông.

Trong khi đó, giáo dục đại học của Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi mô hình, cách thức tổ chức quản trị, hình thức quản lý, hoạt động, phương pháp dạy và học, cơ cấu ngành nghề, sử dụng nguồn lực.

Bên cạnh đó, có những vấn đề mới đặt ra với các trường đại học. Đó là các trường phải đóng vai trò là động lực của vấn đề đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp... 

Đẩy tốc độ phát triển của giáo dục đại học nhanh hơn

Hiện, giáo dục đại học của Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực cả về quy mô và chất lượng. So với 10 năm trước, số lượng sinh viên tăng xấp xỉ 40%, với khoảng 2,1 triệu sinh viên đại học và 120.000 học viên sau đại học. Số lượng sinh viên nhập học đại học tăng trong vài năm gần đây cho thấy, niềm tin của người học, của xã hội về chất lượng đào tạo đã gia tăng trở lại.

Số liệu khảo sát sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy sự cải thiện về chất lượng trên diện rộng. So với 10 năm trước, số lượng giảng viên tăng khoảng 30%. 

Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng hơn 2 lần, hiện đạt xấp xỉ 32%. Nhưng so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, chỉ số này còn rất khiêm tốn. 

Số lượng các công bố khoa học quốc tế trên một giảng viên tăng gần 5 lần so với 10 năm trước. Tuy nhiên so với bình quân trên đầu người vẫn còn khá thấp ở bản đồ công bố trên thế giới.

"Nhắc đến vài con số để thấy rằng, nhìn lại 10 năm, ngành giáo dục đã có bước phát triển rất dài", tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn,  tốc độ phát triển giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ, kỹ thuật.

"Nếu chúng ta không cùng nhau tháo gỡ, thoát ra khỏi điểm nghẽn, đẩy tốc độ phát triển của giáo dục đại học nhanh hơn, mạnh và bền vững hơn nữa, giáo dục đại học sẽ chậm lại, rất khó khăn đạt đến những đỉnh cao trong một số ngành, nghề", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trăn trở.

Không có quốc gia nào phát triển mà không cần đến một nền giáo dục đại học phát triển.

Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ sớm hoàn thành quy hoạch, sắp xếp hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục, đổi mới hệ thống quản trị đại học theo cơ chế tự chủ. Đồng thời, tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành làm "hạt nhân" hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh.

Riêng về thể chế, Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, để hoàn thiện và mở đường làm căn cứ cho đổi mới giáo dục nói chung và thực hiện tự chủ đại học theo chiều sâu ;đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển mô hình giáo dục đại học số, đào tạo giáo viên; triển khai những chính sách đặc thù để phát triển khoa học cơ bản, lĩnh vực sư phạm và các lĩnh vực mũi nhọn...

Theo chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top