ĐBP - Ngày 18/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì tại điểm cầu Trung ương.Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.
Trong năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT tích cực xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới; tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình. Bộ đã tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục sách giáo khoa, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dạy các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; tuyển sinh giáo dục đại học cơ bản giữ ổn định qua các năm, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh...
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương tuyển dụng 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 - 2026; phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005…
Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu năm học 2023 - 2024, toàn ngành giáo dục tập trung triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm, như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biểu dương những kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục; đồng thời, chỉ ra một số mặt tồn tại, bất cập, khó khăn mà ngành GD&ĐT cần tập trung khắc phục, điều chỉnh trong năm học 2023 - 2024 cũng như thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành GD&ĐT dành nhiều sự quan tâm đến các trường dân tộc nội trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa; tập trung vào công tác đổi mới giáo dục; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực cho học sinh…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, ngành GD&ĐT có 6 vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới: Kiên quyết, kiên trì không cho ma túy, tệ nạn xã hội vào học đường; khắc phục bằng được tình trạng bạo lực học đường; hệ thống sách giáo khoa cần phải đổi mới nhưng đảm bảo chuẩn mực và ổn định phát triển; chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên; rà soát chất lượng môn học giáo dục công dân trong giáo dục phổ thông; có giải pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo…