Điểm chuẩn Đại học năm 2023

Xu thế ngành nghề có nhiều thay đổi

10:21 - Thứ Tư, 23/08/2023 Lượt xem: 5147 In bài viết

Tính đến chiều tối 22-8, đã có hơn 100 trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Điểm chuẩn năm nay tăng so với năm 2022, cơ cấu ngành nghề có xu hướng dịch chuyển sang các ngành kỹ thuật-công nghệ, kinh tế-quản trị, sức khỏe với số lượng thí sinh lựa chọn đông.

Bức tranh điểm chuẩn

 Năm nay, kết thúc đợt đăng ký xét tuyển đại học đợt 1, cả nước có hơn 660.000 thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng, tương đương 66% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Tổng số nguyện vọng đã đăng ký là hơn 3,4 triệu. Bình quân mỗi thí sinh đăng ký 5 nguyện vọng. Sau 10 lần lọc ảo, chiều 22-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã kết thúc việc lọc ảo và trả dữ liệu tuyển sinh cho các trường đại học. Ngày 22 và 23-8 là cao điểm các trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1. Chậm nhất 17 giờ ngày 24-8, các trường phải công bố điểm chuẩn trúng tuyển.

Thí sinh tìm hiểu thông tin các trường đại học năm 2023.

Như vậy, sau khi kết thúc lọc ảo, hầu như các trường đại học đã xác định được sơ bộ về điểm chuẩn. Dù có trường chưa trả kết quả cuối cùng nhưng nhìn chung sức khỏe tiếp tục là nhóm ngành có điểm chuẩn cao trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2023, dao động từ 24,2 đến 28,75 điểm. Đây là những ngành nghề được nhiều thí sinh lựa chọn. Nhóm ngành kỹ thuật-công nghệ cũng là một trong những nhóm ngành có điểm chuẩn cao trong năm nay. Trong đó phải kể đến điểm chuẩn của Đại học Bách khoa Hà Nội có dải điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 21 đến 29,42 điểm. Ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, an toàn không gian số là những ngành cực "hot" với điểm chuẩn gần như kịch trần.

Nhóm ngành kinh tế-quản trị có điểm chuẩn cao thứ ba, dao động từ 24,37 đến 28,25 điểm. Điểm chuẩn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đều từ 26 trở lên, trong đó, ngành quan hệ công chúng lấy cao nhất với 28,6 điểm. Điểm chuẩn Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) không có ngành nào dưới 24 điểm... Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến điểm chuẩn năm 2023 tăng so với năm 2022 là do phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có xu hướng nhích lên ở nhiều môn thi, đặc biệt là môn Toán và Ngữ văn. Điều này giúp các thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng tốp đầu.

Nhóm ngành khoa học xã hội vẫn có điểm chuẩn thấp hơn so với các nhóm ngành trên, dao động từ 24 đến 27 điểm. Đáng chú ý, nhóm ngành khoa học cơ bản có điểm chuẩn thấp nhất, dao động từ 19 đến 24 điểm. Những ngành như công nghệ kỹ thuật hạt nhân (21,3 điểm), khí tượng và khí hậu học, hải dương học, địa chất học, công nghệ quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đều chỉ lấy 20 điểm; ngành kỹ thuật cơ khí của Trường Đại học Phenikaa lấy 19 điểm... Đây đều là những ngành nghề có nhu cầu xã hội cao nhưng khó tuyển, điểm chuẩn thấp.

Căn cứ vào hai loại điểm chuẩn (kết quả thi đánh giá tư duy và kết quả thi tốt nghiệp THPT), PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay: “Những thứ bậc trong các ngành được coi là "hot" được thí sinh quan tâm nhiều, đặc biệt là những ngành liên quan đến công nghệ 4.0 luôn ở mức cao. Những ngành có tính chất truyền thống như lĩnh vực cơ khí hay kỹ thuật hóa học điểm chuẩn ở mức trung bình và thấp, gần sát với ngưỡng nhận hồ sơ. Điều này đã diễn ra trong nhiều năm”.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022.

Ngành khoa học trọng yếu khó hút thí sinh

Điểm chuẩn của khối ngành khoa học cơ bản trong những năm gần đây có xu hướng giảm bởi lượng thí sinh đăng ký xét tuyển không cao. Theo công bố của Bộ GD-ĐT, trong 3 năm liền (2020-2022) ở lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Ngay cả ở những trường đại học tốp đầu, kết quả tuyển sinh những ngành khoa học cơ bản cũng không mấy khả quan.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, khối ngành toán và khoa học tự nhiên, trong đó có các ngành khoa học cơ bản là những ngành nền tảng, thiết yếu đối với phát triển khoa học-công nghệ và kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên theo học và nhập học mới có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Năm 2022, số sinh viên đại học được tuyển mới của khối này chỉ chiếm khoảng 1,3% tổng số sinh viên tất cả các ngành. Ngay cả đối với khối học sinh các trường chuyên, được ưu tiên đầu tư, tỷ lệ chọn học các ngành này ở bậc đại học cũng không cao. Điều đáng lo ngại là điểm xét tuyển bình quân của các sinh viên trúng tuyển của hầu hết các ngành này nằm ở mức trung bình và dưới trung bình tất cả lĩnh vực đào tạo (trừ nhóm ngành toán học). Thực trạng này đang là nguy cơ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học-công nghệ trình độ cao cho đất nước. GS, TS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, chỉ 1-2% số sinh viên Việt Nam theo học các ngành khoa học cơ bản, trong khi tỷ lệ tương ứng ở các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan, Singapore... đều khoảng 6-7% hoặc hơn.

PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Số liệu đăng ký tuyển sinh đại học trong 2-3 năm gần đây cho thấy số người đăng ký ngành khoa học giảm rõ rệt, mỗi năm giảm 3%. Khi đội ngũ khoa học kỹ thuật giảm, chất lượng sẽ giảm đi. Như thế, việc đổi mới GD-ĐT đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sẽ bấu víu vào ai?”.

Sự giảm điểm chuẩn và tuyển sinh của khối ngành khoa học cơ bản những năm qua sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu ngành nghề trong tương lai. Khác với các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật có thể hình thành, phát triển và suy biến theo thời gian, các ngành cơ bản luôn phát triển ổn định, đi trước một bước, tạo tiền đề cho tiếp thu kiến thức và là cơ sở cho sự tiến bộ của các ngành ứng dụng và công nghệ. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ở các nhóm ngành trọng yếu phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang trở nên ngày càng khó khăn trong việc tuyển sinh.

Theo các chuyên gia, việc phát triển nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực khoa học-công nghệ tại Việt Nam chỉ có thể thực sự khởi sắc nếu có sự chung tay về nguồn tài chính của Nhà nước và các doanh nghiệp hàng đầu; có cơ chế tự chủ, mềm dẻo hơn cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc hợp tác, đào tạo, chuyển giao... Đặc biệt, công tác hướng nghiệp và truyền thông cần phải làm tốt hơn ở các bậc phổ thông. Những ngành nghề trọng yếu của xã hội cần được biết tới nhiều hơn, giúp người học có những sự lựa chọn bền vững hơn cho tương lai.

Bộ GD-ĐT đề nghị các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 24-8, và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 8-9-2023 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài). Tất cả thí sinh bắt buộc phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Nếu không thực hiện bước này, thí sinh sẽ coi như từ chối quyền trúng tuyển trước đó.

Theo qdnd.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top