Vấn đề kỳ này

Sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

09:57 - Thứ Năm, 24/08/2023 Lượt xem: 4481 In bài viết

ĐBP - Một năm học mới sắp bắt đầu. Với mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo toàn diện, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trước nhất là quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học; hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách... có đủ sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập; tập thể sư phạm các nhà trường kèm cặp, giúp đỡ học sinh, nhất là sinh học yếu kém ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, việc có đủ đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu, đạt chuẩn chất lượng, nhất là giáo viên các môn chuyên biệt (tin học, ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa...) là rất cấp thiết.

Giáo viên Trường Mầm non Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ) trang trí phòng lớp học, chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Trần Dũng

Thống kê của ngành chủ quản, năm học 2023 - 2024, định mức được giao của ngành Giáo dục và Ðào tạo còn thiếu 2.008 giáo viên (980 giáo viên mầm non, 233 giáo viên tiểu học, 533 giáo viên trung học cơ sở và 262 giáo viên trung học phổ thông). Huyện càng khó khăn về giao thông, điều kiện kinh tế, xã hội, cơ sở vật chất trường lớp học... như Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa... tình trạng thiếu giáo viên càng nhiều. Nguyên nhân, nhiều giáo viên xin chuyển vùng công tác, chuyển ngành, bỏ việc... trong khi việc tuyển dụng giáo viên mới chưa kịp thời. Mặc dù ngành Giáo dục, các huyện đã rất quan tâm đến công tác bổ sung giáo viên các cấp, nhưng do nguồn tuyển hạn chế, nhất là với giáo viên các môn chuyên biệt; lương thưởng thấp, chế độ đãi ngộ ở mức vừa phải, áp lực tham gia các hội thi, hội thao, nâng chuẩn... nên khó thu hút lượng người dự tuyển.

Thiếu giáo viên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực của địa phương. Giải pháp bù đắp lượng giáo viên thiếu trong mấy năm học gần đây, đó là các nhà trường phân công giáo viên dạy tăng giờ, dạy liên trường, liên xã, liên cấp, tăng tiết nhằm đảm bảo có đủ giáo viên dạy học theo các cấp học…

Về lâu dài, chính quyền cấp huyện, lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Ðào tạo cần bố trí nguồn kinh phí và cho phép các trường được hợp đồng giáo viên để có đủ số lượng người làm việc, để chờ khi được giao bổ sung biên chế theo quy định. Mặt khác, trong khi chưa kịp tuyển dụng, ngành Giáo dục các địa phương, chính quyền các cấp, các nhà trường cần thực hiện hợp đồng lao động làm giáo viên đối với sinh viên mới ra trường, giáo viên đã nghỉ hưu nhưng còn đủ sức khỏe và tâm huyết với nghề theo quy định của Nhà nước. 

Là năm thứ 4 áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới, đòi hỏi phương pháp dạy và học cũng phải đổi mới và ngày càng nâng cao hơn. Do vậy, điều tiên quyết là ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh, chính quyền các cấp, các nhà trường phải căn cứ số lượng giáo viên được giao, kịp thời tham mưu, thực hiện quy trình tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho các năm học, đặc biệt đội ngũ giáo viên giảng dạy Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Thông tin đáng mừng, gần đây, Sở Giáo dục và Ðào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực, rốt ráo thực hiện tuyển dụng được trên 587 giáo viên của 4 cấp: Mầm non 238, tiểu học 194, THCS 125 và THPT 30 để bù đắp một phần lượng giáo viên còn thiếu hụt.

Thông tin có được, mặc dù có chỉ tiêu tuyển dụng, song toàn ngành còn đang thiếu nguồn giáo viên dự tuyển, đặc biệt giáo viên ở một số bộ môn chuyên biệt. Về vấn đề này, Sở Giáo dục và Ðào tạo cần tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới cho lộ trình dài hơi một cách chủ động, bài bản, hiệu quả hơn. Như đào tạo trình độ đại học hệ vừa làm vừa học; đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, văn bằng thứ 2 hoặc đào tạo liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học các chuyên ngành: Tiểu học, Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Cùng với đó, gửi văn bản đến các trường đại học trong cả nước có đào tạo các chuyên ngành: Sư phạm Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, nhờ hỗ trợ giới thiệu chỉ tiêu, nguồn tuyển dụng giáo viên cho năm học 2023 - 2024 và các năm tiếp theo.

Ðiều phụ huynh quan tâm, lo lắng nhất hiện nay là nếu để tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, nhất là giáo viên các môn chuyên biệt (ngoại ngữ, tin học...) nhiều học sinh của tỉnh sẽ chịu thiệt thòi, thua kém so với các địa phương khác. Hay nói đúng hơn là chúng ta đang tạo ra bất công đối với các em, trong khi ai cũng hiểu câu nói “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Do vậy, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là cần sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên để trả lại sự công bằng trong học tập của các em. Với giáo viên các môn chuyên biệt cần tuyển dụng thường xuyên, liên tục trong năm học chứ không chỉ tuyển dụng theo đợt chung như một số huyện vẫn làm. Có như vậy mới mong bổ sung kịp thời lượng giáo viên còn thiếu cho các trường học.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top