Ðể các em được đến trường…

10:01 - Thứ Năm, 24/08/2023 Lượt xem: 5002 In bài viết

ĐBP - Những đứa trẻ thiếu sự quan tâm, định hướng của gia đình. Những đứa trẻ lo trước, lo sau, mơ hồ về tương lai. Các em vẫn đang tuổi ăn, tuổi học nhưng vì hoàn cảnh riêng mà thường xuyên nghỉ, có nguy cơ bỏ học. Ðó là thực trạng đang diễn ra trên địa bàn xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo. Chuẩn bị năm học mới, để không đứa trẻ nào mất đi quyền được học tập, thầy cô Trường THCS Khong Hin lại về từng bản, từng nhà, gặp từng học sinh và gia đình để huy động, khích lệ các em ra lớp...

Giáo viên Trường THCS Khong Hin tới nhà trò chuyện, vận động em Cà Văn Diện đến trường.

Những đứa trẻ “nặng” gánh lo

Mường Khong là xã xa xôi, đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo. Nhiều người dân trên địa bàn lựa chọn đi làm ăn ngoại tỉnh. Không ít gia đình mà cả bố và mẹ đều xa nhà, con nhỏ gửi ông bà chăm lo hoặc mấy anh chị em tự xoay xở và trông nom, bảo ban nhau. Con số này không hề ít, hơn 50% học sinh Trường THCS Khong Hin có bố mẹ đi làm xa, các em sớm phải tự lập.

Em Cà Văn Diện, năm nay lên lớp 7A1 cũng có hoàn cảnh tương tự. Bố mẹ Diện làm thuê ở Hà Nội, mỗi năm chỉ về 2 - 3 lần. Ba anh em ở nhà với nhau, bao gồm anh trai 16 tuổi đã nghỉ học (bị khuyết tật nhẹ) và em gái học lớp 4 tại Trường Tiểu học Khong Hin. Mặc dù có người thân ở cùng bản nhưng thiếu bàn tay chăm sóc của bố mẹ, các em thiệt thòi nhiều. Hàng tuần, 2 anh em Diện dắt nhau đi bộ từ nhà tới trường (gần 15km đường đất, dốc), ở bán trú tại trường, cuối tuần lại đi bộ về. Thỉnh thoảng nhớ nhà, lo anh ở một mình buồn, Diện lại tranh thủ về, đôi khi nghỉ cả buổi học. Chuẩn bị tựu trường, các em vẫn chưa sắm sửa đồ dùng, bút, vở, quần áo mới. Diện bảo: “Mẹ không về được, nên mấy hôm nữa sẽ gửi tiền để em tự mua đồ dùng học tập cần thiết có bán tại xã, đồ gì không bán thì nhờ thầy cô mua hộ”.

Mỗi em một hoàn cảnh, cùng bản với Diện, em Cà Thị Sơn, năm nay lên lớp 9A2 thỉnh thoảng nghỉ học để về… bế em phụ bà. Sơn thiếu tình cảm bố mẹ từ nhỏ. Em không còn bố, mẹ bỏ đi khi em vừa 1 tháng tuổi. Từ ấy, em ở với ông bà ngoại. Nhưng ông bà cũng vất vả, hiện đang nuôi 4 đứa cháu, đứa nhỏ nhất chỉ hơn 1 tuổi. Con trai sa vào tệ nạn xã hội, con dâu đi làm ăn xa. Kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu mảnh nương và ông đi làm thuê mùa vụ trên địa bàn để kiếm tiền cho các cháu đi học. Vì thế Sơn hay nghỉ học, có khi nghỉ cả tuần về bế em, phụ việc nhà cho bà, thầy cô phải lên vận động, đưa xuống trường.

Còn tại bản Hua Sát, em Sùng A Vênh (lớp 8A2) cũng nhiều lần nghỉ học để về  làm nương cùng bố mẹ. Gia đình Vênh rất nghèo, lại đông anh em (5 người con), Vênh là con cả. Ðến mùa làm nương, bố mẹ lại xuống đón em về. Cô Quàng Thị Son, Chủ nhiệm lớp 8A2, chia sẻ: “Bố các em đến đón trong tuần học, có khi xin phép nhà trường, có khi không. Nhưng dù nhà trường có không đồng ý, khuyên thế nào thì cũng vẫn đưa con về. Chúng tôi thường xuyên gọi điện, liên hệ với gia đình và trưởng bản để bảo gia đình đưa con xuống học. 3 ngày các em chưa có mặt ở lớp, thầy cô lại lên tận bản để đón xuống”. Lớp cô Son còn có nhiều em hoàn cảnh như Vênh và Diện. Phần đông trong lớp có bố mẹ đi làm ăn xa. “Hầu hết các em đều thích đi học nhưng vì hoàn cảnh mà nghỉ học. Và cũng vì những nỗi lo luôn thường trực, nhiều em nhút nhát, ít hoà đồng, chểnh mảng việc học. Nếu thầy cô không quan tâm, thường xuyên động viên, huy động ra lớp thì có lẽ nhiều bạn đã bỏ học giữa chừng” - cô Son kể thêm.

Huy động và “giữ chân” học sinh

Những cơn mưa tháng 8 làm đường đến các bản lầy lội, trơn trượt, nguy hiểm. Dù vậy, cán bộ, giáo viên Trường THCS Khong Hin vẫn về tới từng bản. Thầy cô không ngại xa, ngại khó, ghì chặt tay lái, “bơi” chân trong bùn đất hay cuốc bộ nhiều giờ... tất cả vì học sinh, để huy động các em có mặt đông đủ ngày tựu trường, được đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa vào năm học mới này.

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 9A2, thầy Bùi Văn Ninh đến bản Phiêng Hin vận động em Lò Văn Iu chuẩn bị ra lớp. Trong ngôi nhà nửa bên vách gỗ, bên đan tre chỉ hơn 20m2, bố mẹ Iu đang sắp bó cành cây vụn làm củi đun. Bố mẹ Iu năm nay đã xấp xỉ 60 tuổi, chỉ có 1 mụn con. Cả 2 ông bà đều không biết tiếng phổ thông, không sử dụng điện thoại, không có phương tiện đi lại. Bố bị tai nạn giao thông khiến khả năng nghe, nói kém. Qua trao đổi bằng tiếng bản địa, được biết Iu đang đi phụ xây cho nhà người thân ở Mường Ảng. Thầy Ninh cho biết. “Trong các năm trước, Iu thường xuyên nghỉ học. Nhất là vào mùa hái cà phê, Iu đi hái thuê kiếm tiền trang trải cho gia đình. Có thời điểm Iu có ý định bỏ học đi làm, thầy cô khuyên can, chia sẻ nhiều, động viên em cố gắng tốt nghiệp THPT, có tấm bằng để sau này đi làm thuê cho các công ty cũng thuận lợi hơn. Năm nay, Iu vẫn là trường hợp đáng lo nhất của lớp. Em đi phụ hồ đến giờ vẫn chưa về, điện thoại thì không có”. Bởi vậy, thầy Ninh dành nhiều thời gian thăm hỏi gia đình Iu, dặn dò bố mẹ em đi đón con về trước lịch tựu trường đầu tháng 9. Những ngày cuối tháng 8, thầy vẫn tiếp tục liên hệ điện thoại nhờ người cùng bản cập nhật Iu đã về nhà chưa. Nếu chưa về sẽ lại lên trao đổi với gia đình và tìm cách đón học sinh.

Chuẩn bị cho năm học mới, Trường THCS Khong Hin phân công cán bộ, giáo viên đi từng bản, từng nhà để thông báo thời gian tựu trường, khai giảng, tìm hiểu hoàn cảnh và vận động các em đến lớp. Năm học 2023 - 2024 này, dự kiến Trường có 340 học sinh với 9 lớp, tất cả mọi công tác đều đã sẵn sàng, chờ đón học sinh. Cùng với việc huy động học sinh trước thềm năm học mới thì để thu hút, giữ chân học sinh, từ năm 2019, Trường đã tổ chức khu nội trú, chăm lo từ bữa ăn tới giấc ngủ và lên lớp ôn bài buổi tối cho học sinh (mỗi năm có hơn 100 học sinh ở bán trú). Thầy cô dành nhà công vụ để làm phòng ở cho học sinh. Dù chưa đủ tiêu chuẩn trở thành trường bán trú, thầy cô không có chế độ cho công tác này nhưng vẫn bỏ công sức và tâm huyết duy trì, làm sao để học sinh gắn bó và đi học đầy đủ, bớt đi nỗi lo thường ngày.

Thầy Bùi Văn Vệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với đặc thù địa bàn, hoàn cảnh nhiều học sinh rất khó khăn. Dù các em có tinh thần hiếu học nhưng đôi khi vẫn không tránh khỏi tư tưởng nghỉ học, bỏ học. Vì thế chăm sóc và nắm bắt tâm lý, chia sẻ với các em là việc mà Trường luôn quan tâm. Không chỉ dịp đầu năm học, mà vận động, khích lệ các em đi học đầy đủ là việc làm thường xuyên, liên tục. Nhà trường còn thực hiện giao ban giáo viên chủ nhiệm hàng tuần để trao đổi công tác chủ nhiệm, cập nhật học sinh nào vắng, vắng vì lý do gì, hoàn cảnh thế nào… để kịp thời can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ, đưa các em trở lại trường. Khu nội trú thì thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào, nhất là vui chơi dịp lễ, tết; thi gấp chăn màn, phòng ở sạch đẹp; cùng nhau trồng rau xanh…” Vì thế, dù có những trường hợp học sinh vì hoàn cảnh gia đình mà nghỉ học một hay vài ngày, nhưng những năm gần đây không có em nào bỏ học giữa chừng.

Những khó khăn trên vẫn tiếp diễn trong năm học tới này, nhưng Trường THCS Khong Hin chắc chắn sẽ vượt qua bằng tâm huyết của người thầy và tinh thần vượt khó của học sinh.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top