63 tỉnh, thành tìm giải pháp nâng cao chất lượng công tác thanh kiểm tra giáo dục

15:59 - Thứ Sáu, 25/08/2023 Lượt xem: 4485 In bài viết

Chiều 24-8, tại TPHCM, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối sở GD-ĐT. Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, đại diện sở GD-ĐT 63 tỉnh, thành.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị

Nguồn lực yếu và thiếu

Mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định, công tác quản lý chất lượng nhằm thúc đẩy và cải tiến chất lượng giáo dục, thanh tra là để phòng ngừa chứ không phải để xử lý sai phạm. Đây là hai nhiệm vụ quan trọng giúp thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, năm học 2022-2023 là thời điểm đánh dấu giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đồng thời là năm thứ 10 ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Việc tổng kết nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực giáo dục.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT nhìn nhận, công tác soạn thảo văn bản pháp luật hiện nay còn chậm tiến độ, đặc biệt là văn bản thuộc các lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển toàn ngành như kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), cơ chế giám sát của xã hội…

Theo Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, nguyên nhân chủ yếu do nhiều văn bản có nội dung phức tạp, đối tượng chịu tác động lớn, cần có thời gian khảo sát, nghiên cứu và tổ chức lấy ý kiến; nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động triển khai nhiệm vụ tư pháp còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế…

Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là công tác chỉ đạo và tổ chức các kỳ thi cấp quốc gia theo hướng an toàn, hiệu quả, phù hợp với đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần tiếp tục hoàn thiện giải pháp phòng chống vi phạm công nghệ cao và chất lượng đề thi.

“Hiện nay, việc thực hiện các quy định về quản lý văn bằng, chứng chỉ chưa nghiêm, cá biệt có nơi còn tùy tiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thất thoát phôi, mất hoặc làm hư hỏng văn bằng, chứng chỉ”, đại diện Cục quản lý chất lượng thông tin.

Từ thực tế đó, Cục quản lý chất lượng đề nghị lãnh đạo các sở GD-ĐT bố trí đúng người, đúng việc, chuyên trách hơn để nâng cao chất lượng quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra.

Ở góc độ khác, theo Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường, nhiều địa phương hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể, còn 34/63 sở GD-ĐT chưa bố trí đủ 5 công chức làm công tác thanh tra sở theo quy định của Chính phủ; 8 sở GD-ĐT chưa bổ nhiệm chánh thanh tra sở; 38 cán bộ thanh tra sở chưa được bổ nhiệm ngạch thanh tra.

Một số sở GD-ĐT chưa đào tạo, bồi dưỡng và chuyển ngạch cho công chức làm công tác thanh tra; không tổ chức rà soát, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên thanh tra giáo dục.

Toàn cảnh hội nghị chiều 24-8.

Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra

Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị, trong năm học 2023-2024, các sở GD-ĐT quan tâm hơn đến việc ban hành văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra từ sở đến các cơ sở giáo dục của địa phương theo định hướng không có vùng cấm; xử phạt nghiêm minh, công khai, minh bạch; xây dựng hệ thống giám sát kịp thời và chủ động trong mọi tình huống.

Song song đó, các địa phương cần tiếp tục kiện toàn đội ngũ thanh tra sở GD-ĐT, cộng tác viên thanh tra giáo dục; bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý đơn kiến nghị và phòng chống tham nhũng tại địa phương.

Mặt khác, theo Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, toàn ngành cần tăng cường triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục, đánh giá chất lượng trên diện rộng theo hướng minh bạch, hiện đại; chấn chỉnh hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ, đẩy mạnh triển khai các hoạt động quản lý văn bằng, chứng chỉ theo hướng cải cách hành chính, chuẩn hóa, tinh gọn.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top