ĐBP - Tháng 8 cao điểm mùa mưa cũng là thời gian các trường học khẩn trương chuẩn bị năm học mới. Ðể có được ngày khai giảng trọn vẹn và ý nghĩa, nhiều ngày qua thầy cô giáo khắp các địa phương trong tỉnh đã tất tả ngược ngàn, lên trường trả phép và bắt tay làm hàng loạt việc không tên.
Một ngày đầu tháng 8, khi con gà trống vừa cất tiếng gáy, căn nhà gỗ dựng tạm cạnh trường của vợ chồng thầy giáo Hà Văn Ngoan, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí, huyện Mường Chà đã sáng đèn. Cô Lê Thị Diễm (vợ thầy Ngoan) lục đục sắp xếp tư trang cho cuộc hành trình quen thuộc. Một ba lô con cóc dùng chung cho cả 2 vợ chồng để đựng tài liệu, nước uống, mì tôm...
Từ ánh sáng lập lòe của chiếc đèn pin gắn trên đầu, thầy Ngoan cẩn thận kiểm tra lại xăng xe, hệ thống phanh, máy... Thầy cũng không quên mở cốp xe cất bộ xích mới mua, 1 chiếc kìm, 1 cuộn dây thừng, bộ đồ nghề vá săm và bắt đầu chinh phục con đường lên các điểm bản. Nhìn những thứ đồ chuẩn bị, chẳng ai nghĩ họ là giáo viên. Song đây đều là dụng cụ thực sự cần thiết, hỗ trợ thầy cô giáo vượt qua những cung đường núi, đặc biệt là trong mùa mưa.
Thầy Ngoan tâm sự: “Cũng như hàng năm, 1/8 là giáo viên có mặt tại trường, trả phép để bắt đầu các công việc của năm học mới. Người địa phương còn đỡ, chứ giáo viên dưới xuôi lên công tác thì nghỉ hè về quê chẳng được mấy, rồi lại vội vàng lên trường. Thường chúng em sẽ có khoảng 1 tuần để tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị... Thời gian còn lại sẽ phân địa bàn và tập trung tu sửa, dọn dẹp trường lớp, làm công tác chiêu sinh cho năm học mới”.
Huổi Mí vẫn là một trong số các xã đặc biệt khó khăn của Mường Chà, với nhiều điểm bản “nhiều không”. Cung đường gần 30km từ trung tâm xã ngược lên 5 điểm bản: Pa Xoan 1, 2; Huổi Ít A, B và Pa Ít có hàng chục con dốc, với một bên vách đá, còn bên kia là vực thẳm. Những “điểm đen” vốn không tên, giờ được người ta gọi chung là “dốc nuốt xe”. Bởi, hàng năm chẳng ai đếm được có bao nhiêu chiếc xe cứ qua những điểm này lại bị hỏng hóc, có trường hợp còn bị rơi xe xuống vực. Còn riêng với thầy Ngoan, trong hơn 10 năm công tác tại Huổi Mí không nhớ nổi bao nhiêu lần chứng kiến đồng nghiệp và trực tiếp bị rơi xe xuống vực. Chuyện xe hỏng hóc, phải thay săm, lốp, xích... được thầy Ngoan ví như “cơm bữa”.
Cũng như thầy Ngoan, thầy giáo Lường Văn Hùng, Trường PTDTBT Tiểu học Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ trả phép từ đầu tháng 8. Sau khi họp phân công nhiệm vụ, thầy nhận phụ trách điểm bản Sam Lang với 24 học sinh lớp 1. Ngày 5/8, thầy Hùng bắt đầu lên bản để làm công tác chuẩn bị. “Ðường lên bản thì cấp phối đi lại cũng đỡ vất vả. Nhưng di chuyển trong nội bản thì khó khăn và mất khá nhiều thời gian. Bản có hơn 130 hộ, thuộc 3 nhóm dân cư và sống rải rác cách xa nhau. Tôi phải mất hơn 2 ngày để đến từng gia đình vận động phụ huynh phối hợp dọn dẹp, tu sửa cơ sở vật chất và cho con em ra học lớp 36 ngày cho học sinh đầu cấp” - thầy Hùng bộc bạch.
Cũng theo thầy Hùng chia sẻ, mặc dù lớp học này rất quan trọng với học sinh bước vào lớp 1, nhất là con em đồng bào dân tộc ở vùng khó khăn, song lại không dễ tổ chức và duy trì. Bởi chưa chính thức vào năm học nên các em không được ăn trưa và các chính sách khác. Ðể duy trì sĩ số hàng ngày, thầy Hùng phải nỗ lực làm công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em ra lớp, chuẩn bị bữa ăn trưa của các cháu. Với nguồn thu nhập ít ỏi, mỗi bữa ăn của mình, thầy giáo đều cố gắng nấu dư thừa để san sẻ thức ăn với trò, từ con cá khô, gói mì tôm... Ngoài ra, do học sinh đa phần còn hạn chế trong giao tiếp, chưa thành thạo tiếng phổ thông nên việc rèn kỹ năng, nền nếp học tập và làm quen luyện nét chữ cũng “ngốn” không ít thời gian của thầy Hùng. Bởi vậy, mặc dù điểm trường cách trung tâm xã hơn 10km, song thời gian này thầy Hùng ở luôn tại bản, để có nhiều thời gian hỗ trợ, hướng dẫn học sinh.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học Trung Thu, huyện Tủa Chùa, thời gian này các thầy cô giáo cũng tất bật sớm tối. Năm học này cô giáo Mùa Thị Thái được phân công dạy học tại điểm trường trung tâm nên bớt khó khăn trong việc đi lại. Dẫu vậy, những ngày qua cô gần như thường trực trên các cung đường và nhà dân để làm công tác huy động học sinh ra lớp do các em ở rải rác nhiều thôn, cách nhau gần chục ki lô mét. Cô Thái chia sẻ: Ðể chủ động đảm bảo đủ số lượng học sinh đầu năm, cô phải đến từng nhà, thậm chí lên tận nương gặp gỡ cha mẹ các em. Nhiệm vụ chủ yếu là để nhắc nhở, vận động học sinh nhớ ngày trở lại trường. Ðồng thời vừa nắm bắt tình hình, chủ động lên phương án đưa đón đối với các trường hợp đặc biệt. “Tôi đều lấy sẵn số điện thoại của phụ huynh mỗi học sinh để tiện liên lạc, nhắc nhở trước. Tuy nhiên, một số trường hợp phụ huynh trao đổi là bận không thể đưa con đến trường, chúng tôi phải chủ động lên phương án đến tận nhà đón sớm. Bởi ở đây mưa gió thất thường, nhiều nguy cơ sạt lở, tắc đường sẽ ảnh hưởng đến lịch nhập học của các em” - cô Thái cho biết.
Trường PTDTBT Tiểu học Trung Thu năm nay đón hơn 500 học sinh, 100% là con em người Mông. Trong đó, có hơn 300 em nhà cách xa trường phải ở nội trú. Giáo viên chủ nhiệm các lớp như cô Thái sẽ có nhiệm vụ rà soát số lượng học sinh lớp mình dựa trên danh sách có sẵn. Ngay khi học sinh nhập trường sẽ được giáo viên hướng dẫn, sắp xếp nơi ăn, chốn nghỉ, học tập nội quy, nhận sách giáo khoa… Ðặc biệt là đối với học sinh lớp 1, do mới bắt đầu xa gia đình để làm quen với môi trường, nền nếp mới. Giáo viên thường xuyên túc trực để hỗ trợ học sinh. Từ việc gần gũi để hướng dẫn các em nếp sinh hoạt, cho đến tâm sự, động viên, ổn định tâm lý. Những học sinh dạn dĩ và có năng khiếu được lựa chọn để chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ, giao lưu, biểu diễn cho ngày khai giảng thêm phấn khởi, vui tươi.
Hiện nay, công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng đang được các nhà trường tích cực chuẩn bị. Những cơn mưa nặng hạt kéo về, chặng đường đến trường của các em lại không khỏi khiến thầy cô lo lắng. Dẫu vậy, mỗi nhà trường và thầy cô giáo đều đã xây dựng sẵn kịch bản cho từng trường hợp, với mục tiêu để tất cả học sinh đều được dự lễ khai giảng trọn vẹn, ý nghĩa, khởi đầu một năm học thuận lợi.