Xã hội hóa - “Tiếp sức” giáo dục Điện Biên

16:35 - Thứ Năm, 31/08/2023 Lượt xem: 5474 In bài viết

ĐBP - “Xã hội hóa giáo dục” là hình thức huy động nguồn lực từ các tổ chức chính trị xã hội, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay cải thiện môi trường học tập, tạo thuận lợi cho hoạt động giáo dục. Với tinh thần “Tương thân, tương ái”, những năm qua, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, từ thiện trong và ngoài tỉnh đã chung tay cùng với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên chăm lo, cải thiện môi trường học tập cho các em học sinh; góp phần quan trọng vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh. Nhờ làm tốt công tác “xã hội hóa giáo dục”, nhiều ngôi trường vùng cao được chuẩn hóa cơ sở vật chất, các học trò nhỏ có những bữa ăn ngon, quần áo đẹp và đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập… để yên tâm đến trường. Đó là những điều kiện tiền đề từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới, mang đến cho học sinh môi trường giáo dục toàn diện, hiện đại.

Bài 1: Vượt khó xây dựng hạ tầng trường lớp

Dù vẫn còn không ít khó khăn, song nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục mà công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ nguồn lực từ công tác xã hội hóa, cơ sở hạ tầng trường lớp học ở các địa phương dần hoàn thiện, đảm bảo đáp ứng nhu cầu dạy và học; từ đó phần nào giảm bớt những gánh nặng về ngân sách cho địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác huy động, duy trì số lượng, nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục toàn diện học sinh.

Trước đây, những lớp học tre, nứa tạm bợ còn khá phổ biến ở các địa phương vùng cao. Trong ảnh: Lớp học của cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé cách đây 1 năm.

Trăn trở giáo dục vùng cao

Theo dòng thời gian ngược về quá khứ, nền giáo dục của tỉnh Điện Biên gặp không ít khó khăn. Những ngày đầu xây dựng trường lớp còn biết bao nhiêu điểm trường tạm bợ, tranh tre, vách nứa. Thậm chí, khi đó, thầy và trò vừa phải tập trung cho công tác dạy và học, vừa lao động để xây dựng lớp học, nơi ở. Trong khi đó, đời sống vất vả, giao thông chia cắt, thời tiết bất thường với mưa rừng, nước lũ khiến cho sự nghiệp giáo dục càng thêm gian nan…

Những năm gần đây, giáo dục Điện Biên đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư, xây dựng ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất trường lớp học; các chính sách hỗ trợ học sinh được triển khai thực hiện sâu rộng đến tận các bản làng vùng cao, biên giới. Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn chế, trong khi nhu cầu vốn lớn nên đến nay vẫn còn nhiều công trình trường học vẫn chưa được đầu tư xây dựng theo chuẩn, thiếu nhiều công trình phụ trợ gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chăm sóc và giáo dục học sinh.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Điện Biên là tỉnh vùng cao, biên giới, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình chia cắt, dân cư phân tán, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ lớn; nhận thức về giáo dục của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Công tác vận động hiến đất xây dựng trường lớp học; huy động ủng hộ kinh phí, vật liệu, ngày công… để sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy học gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhiều cơ sở giáo dục ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, thiếu mặt bằng xây dựng… làm tăng mức đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình từ nguồn vốn xã hội hóa. Quỹ đất dành cho xã hội hóa giáo dục còn hạn hẹp, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình kêu gọi xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh… Đây cũng là những trăn trở của cán bộ và đội ngũ giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo suốt thời gian qua.

Để giải bài toán đó, nhờ có nguồn lực xã hội hóa, thời gian qua, các nhà trường luôn nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ đầu tư xây dựng lớp học kiên cố, nhà ở bán trú, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh… cũng như những bữa ăn hay suất học bổng, phần quà của các tổ chức, cá nhân đã giúp tỷ lệ chuyên cần học sinh tại vùng sâu vùng xa, biên giới được cải thiện rõ rệt. Thực tế là khi các em học sinh được học tập trong môi trường giáo dục đầy đủ, khang trang và ăn, nghỉ trưa tại trường sẽ khiến các phụ huynh càng yên tâm hơn khi gửi gắm con em mình đến trường. Thực tế đó đã góp phần quan trọng để duy trì tỷ lệ chuyên cần, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Nhờ có nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, nhiều điểm trường được kiên cố hóa, khang trang và sạch sẽ. Trong ảnh: Điểm trường bản Huổi Háo B, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng được hỗ trợ xây mới từ nguồn xã hội hóa.

Vượt khó, kiên cố hạ tầng

Mường Nhé là huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, với 11 đơn vị xã thuộc khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gồm 112 bản và 03 tổ dân cư. Giao thông đi lại giữa các xã trong huyện, các điểm trường trong xã gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất độc canh, chủ yếu là nông nghiệp, tự cung, tự cấp, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỉ lệ đói nghèo cao. Thực tế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục tại địa phương; bởi khi bà con vùng cao vẫn lo ăn từng bữa thì sẽ không có điều kiện để quan tâm đến việc học hành của con em mình, khiến tỷ lệ chuyên cần đạt thấp, chất lượng giáo dục hạn chế. Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách hạn hẹp thì xã hội hóa giáo dục là cách làm đúng đắn, cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng trường lớp học và điều kiện, môi trường học tập cho các em.

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé chia sẻ: Thời gian qua, Phòng luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, bên cạnh việc đầu tư của Nhà nước, các trường đã huy động cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh và nhân dân các dân tộc trên địa bàn đóng góp vật chất, ủng hộ ngày công lao động và sự tài trợ ủng hộ của các tổ chức, nhà hảo tâm để tu sửa, cải tạo nhà trường, xây dựng tạo cảnh quan môi trường học tập. Kết quả là chỉ riêng năm học 2022 - 2023, huyện Mường Nhé đã huy động được các nguồn lực xây dựng Điểm trường Pa Tết, Điểm trường Nậm Mỳ 1 thuộc Trường Mầm non và PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch; xây dựng 10 phòng học, 4 phòng bán trú, 30 công trình nhà vệ sinh học đường cho 10 đơn vị trường cấp tiểu học trên địa bàn huyện…

Không phủ nhận, những năm qua, Trung ương, tỉnh, các địa phương đã có nhiều nỗ lực, quan tâm và đầu tư nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng cao. Các chương trình, chế độ chính sách đã triển khai đến từng điểm bản, đến gần hơn các học trò vùng khó như: Thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học, hỗ trợ xây dựng nhà ở học sinh trong các trường bán trú, miễn học phí với học sinh dân tộc thiểu số khó khăn, trợ cấp tiền, gạo cho các em đi học... Đối với một địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới như tỉnh Điện Biên - nơi mà tiềm lực đầu tư cho phát triển giáo dục còn khiêm tốn thì nhờ có nguồn lực từ công tác xã hội hóa đã góp phần quan trọng để từng bước nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp.

Trong 5 năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo đã huy động các nguồn lực xã hội hóa với tổng kinh phí 75,6 tỉ đồng để xây dựng các công trình giáo dục tại 132 trường/điểm trường. Trong đó, xây dựng 258 phòng học; 118 phòng ở bán trú; 101 phòng công vụ; 29 nhà bếp, nhà ăn; 105 phòng vệ sinh… Đó cũng chính là lời giải phần nào cho bài toán khó khăn về xây dựng cơ sở vật chất của giáo dục vùng cao. Những việc làm thiết thực đó đã góp phần mang đến những ngôi trường ngày càng khang trang, lớp học đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy trò vùng cao; từ đó tạo niềm vui cho các em học sinh mỗi khi đến trường.

Bài 2: Chung tay vì sự nghiệp giáo dục

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top