Bài 2: Chung tay vì sự nghiệp giáo dục

10:04 - Thứ Hai, 04/09/2023 Lượt xem: 6154 In bài viết

ĐBP - Để nâng cấp, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, môi trường học tập, thời gian qua, các tổ chức, cá nhân, đơn vị đã tài trợ kinh phí, xây dựng công trình giáo dục, hiến đất xây trường hay công sức chung tay sửa sang, cải tạo, làm đồ dùng, dụng cụ học tập cho các em học sinh vùng cao... Thậm chí là cả những suất học bổng, suất quà, xe đạp, cặp sách, quần áo... cũng được hỗ trợ, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện tới trường. Điều đó không chỉ tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng khó mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Bài 1: Vượt khó xây dựng hạ tầng trường lớp

Dự án Nuôi em đã hỗ trợ các em học sinh tại Điểm trường Tiểu học Ma Lù Thàng 2 được ăn trưa tại trường.

Những bữa ăn ấm bụng trẻ vùng cao

Đã 2 năm trôi qua song chúng tôi vẫn nhớ như in nét mặt vui vẻ, phấn khởi của các em học sinh khối lớp 1, 2 tại Điểm trường Tiểu học Ma Lù Thàng 2 (Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng, huyện Mường Chà) khi được ăn những bữa cơm trưa tại điểm trường với đầy đủ cơm, thịt và rau xanh. Cách trường trung tâm chừng 10km, điểm trường này có hơn 10 học sinh nhưng các em không thuộc diện được hưởng chế độ ăn bán trú tại trường. Lớp học xa nhà nếu giờ nghỉ trưa phải về nhà ăn cơm thì trở lại trường học tập buổi chiều sẽ khá mệt mỏi và ảnh hưởng đến chuyên cần cũng như chất lượng giáo dục. Từ sự kết nối của các thầy cô giáo, các em may mắn khi được Dự án Nuôi em hỗ trợ tiền ăn và được các thầy cô giúp đỡ việc nấu ăn. Từ đó, các em đã được ăn những bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng tại trường. Thầy giáo Lò Văn Chinh, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng tâm sự: “Nhà các em ở xa trường nên thầy cô đã huy động được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân để các em được ăn cơm tại trường. Và những giáo viên như chúng tôi, ngoài việc dạy học luôn sẵn sàng vào bếp để nấu cho các em bữa ăn ngon. Được ăn, ngủ trưa tại điểm trường nên mấy năm nay, các em đi học cũng chuyên cần hơn”.

Ở huyện Mường Nhé, các em học sinh không thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ ăn bán trú, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân thiện nguyện tài trợ kinh phí ăn trưa cho học sinh. Qua quá trình kêu gọi, các đơn vị trường đã nhận được sự quan tâm, tài trợ của một số tổ chức và cá nhân; trong đó Dự án Nuôi em thuộc Nhóm Tình nguyện niềm tin đã tài trợ kinh phí ăn trưa cho 3.199 trẻ mầm non, học sinh tiểu học và còn hỗ trợ nấu ăn cho giáo viên, kinh phí phục vụ nấu ăn cho các điểm trường khó khăn.

Những học sinh ở bán trú trong trường nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước tại các trường trên địa bàn tỉnh, thời gian qua cũng được quan tâm vận động đóng góp lương thực, thực phẩm, nhiên liệu… để nhà trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh. Sự ủng hộ, hỗ trợ kinh phí tổ chức bữa ăn bán trú cho đối tượng học sinh của các tổ chức, cá nhân có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần quan trọng vào việc chăm sóc giáo dục học sinh và duy trì chuyên cần tại các nhà trường. Cụ thể, hiện nay ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự ủng hộ, quan tâm từ Dự án Nuôi em, Quỹ trò nghèo vùng cao nhằm hỗ trợ bữa ăn bán trú cho các em. Nhờ vậy, toàn tỉnh hiện có 23.015 học sinh bán trú (18.591 học sinh chưa đủ điều kiện hưởng chế độ ăn bán trú) được hỗ trợ ăn tại trường. Riêng năm học 2022 - 2023, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ 21,2 tỉ đồng; trong đó 14,7 tỉ đồng dành cho học sinh chưa đủ điều kiện hưởng chế độ ăn bán trú… đã góp phần đảm bảo tốt nhất điều kiện chăm sóc học sinh tại các nhà trường.

Để xây dựng Điểm trường Mầm non bản Co Lót, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé), bà con dân bản đã hiến gần 600m2 đất để xây dựng điểm trường. Trong ảnh: Lễ khánh thành Điểm trường Mầm non bản Co Lót.

Huy động sức dân hiến đất xây trường

Từ những ngôi trường “thiếu trước, hụt sau” với bộn bề khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng từ sự chung tay đóng góp của các tổ chức, cá nhân và toàn dân, giờ đây, hàng nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh đã được học tập trong căn phòng khang trang, sạch sẽ. Góp phần vào việc kiên cố hóa cơ sở vật chất trường lớp học có sự đóng góp không nhỏ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Có lẽ với ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ không quên được những ngày gian khó của giáo dục Điện Biên Đông. Việc không có đủ quỹ đất xây dựng trường, lớp là rào cản lớn nhất khiến việc kiên cố hóa trường lớp tại huyện Điện Biên Đông thời gian đó càng khó thực hiện. Thế nhưng, trong gia đoạn từ năm 2014 - 2019, ông Hoàn trên cương vị là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông đã cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương và đội ngũ cán bộ, giáo viên các nhà trường tập trung huy động sự ủng hộ của nhân dân, kêu gọi mọi nguồn lực để xóa bỏ nhà lớp học, nhà ở cho học sinh bán trú còn tranh tre nứa lá tạm bợ. Và chỉ tính riêng 2 năm học (2017 - 2018 và 2018 - 2019), nhân dân đã hiến hơn 43.000m2 đất cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Qua đó góp phần giúp ngành Giáo dục huyện Điện Biên Đông tu sửa, nâng cấp và làm mới 105 phòng học, 186 nhà công vụ, 85 bếp ăn bán trú trong 6 năm (2014 - 2019). Những kết quả đó đã giúp ngành Giáo dục huyện có 30 trường được công nhận trường Chuẩn quốc gia mức độ I năm học 2018 - 2019.

Ông Hoàn chia sẻ: Thời điểm đó, để nâng cao chất lượng giáo dục thì song hành với đó là phải cải thiện cơ sở vật chất, trường lớp học, nhà công vụ, bếp ăn cho học sinh bán trú. Vậy nên, chúng tôi đã đề xuất tham mưu cho lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đề ra giải pháp với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với chính quyền địa phương động viên nhân dân hiến đất xây dựng trường, lớp. Đồng thời tham mưu UBND huyện kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân đã hiến đất cho các cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh hăng hái đóng góp hàng nghìn ngày công lao động tham gia xây dựng trường, lớp, nhà ở cho học sinh bán trú; từ đó chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân và phụ huynh học sinh trong công tác xây dựng cơ sở vật chất...

Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, song để tạo điều kiện cho việc xây dựng một điểm trường khang trang và an toàn cho học sinh, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây trường, dựng lớp học. 5 năm gần đây, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã vận động người dân hiến 27.609m2 đất phục vụ cho 14 trường học mở rộng diện tích và xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục; góp phần đảm bảo diện tích trường học theo quy định. Ngoài ra, các đơn vị còn huy động phụ huynh học sinh hỗ trợ hàng nghìn ngày công để tu sửa cơ sở vật chất, chỉnh trang, kiên cố hoá trường lớp. Sự ủng hộ của một số tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm cùng với nhân dân đã góp phần quan trọng để cải thiện môi trường học tập, đã và đang giúp cho công tác dạy và học ở vùng cao ngày càng nhiều khởi sắc.

Bài 3: Lan tỏa các chương trình xã hội hóa giáo dục

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top