ĐBP - Trước ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024, học sinh đầu cấp THPT đã có mặt tại trường làm các thủ tục nhập học và đăng ký tổ hợp môn. Là năm thứ 2 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với THPT, các trường đã có nhiều kinh nghiệm triển khai, duy trì và điều chỉnh hoặc bổ sung tổ hợp môn phù hợp.
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 189 lớp 10, với hơn 7.400 học sinh. Từ năm học trước, theo Chương trình GDPT 2018, ngoài các môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Quốc phòng an ninh, Lịch sử) cùng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Giáo dục địa phương, thì học sinh lớp 10 được quyết định 4 môn học tự chọn. Các trường THPT căn cứ vào điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… và khảo sát nguyện vọng học sinh để lập các tổ hợp môn học và chuyên đề học tập cho các em lựa chọn xuyên suốt hết cấp THPT.
Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo cho biết: “Năm học 2022 - 2023, theo đánh giá chung của các nhà trường, khi học sinh được học các môn học theo nguyện vọng, sở trường thì ý thức, thái độ, chất lượng học tập của học sinh thay đổi rõ rệt. Từ kết quả thực hiện của khối lớp 10, năm học 2023 - 2024 Sở tiếp tục chỉ đạo các trường THPT duy trì ổn định các tổ hợp môn học lựa chọn của học sinh lớp 10 lên lớp 11; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về việc lựa chọn môn tới phụ huynh, học sinh. Các trường công khai tổ hợp môn học lựa chọn trong phương án tuyển sinh và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp”.
Với tinh thần ấy, cuối tháng 8, đầu tháng 9, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tư vấn, tiếp nhận đăng ký tổ hợp môn cho học sinh lớp 10. Tại Trường THPT Mường Nhà, huyện Ðiện Biên, từ ngày 25 - 29/8, học sinh lớp 10 đến trường thực hiện đăng ký tổ hợp môn. Thầy Ðỗ Cao Thượng, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Năm học này, chúng tôi có 5 lớp 10 với 200 chỉ tiêu. Tổ hợp môn giảm 1, thay đổi phù hợp với cân đối, sắp xếp giáo viên và tạo thuận lợi cho học sinh. Cụ thể, năm nay lớp 10 chỉ có 2 tổ hợp tự chọn, bao gồm: Sinh học, Vật lý, Công nghệ, Giáo dục kinh tế - pháp luật; Hóa học, Ðịa lý, Sinh học, Tin học, dự kiến sẽ duy trì lâu dài những năm sau. Khối lớp 11 vẫn giữ 3 tổ hợp tự chọn đã thực hiện từ năm trước”.
Em Thào Minh Hùng trúng tuyển và nhập học Trường THPT Mường Nhà lựa chọn tổ hợp 2 (Hóa học, Ðịa lý, Sinh học, Tin học). Hùng chia sẻ: “Em rất thích Tin học; vì thế khi chọn tổ hợp, em không băn khoăn nhiều mà quyết định khá nhanh”. Còn Vàng Thị Dế lựa chọn tổ hợp 1 (Sinh học, Vật lý, Công nghệ, Giáo dục kinh tế - pháp luật) sau khi được thầy cô tư vấn phù hợp với sở thích và sở trường của em. Dế chia sẻ: “Qua xem học bạ THCS và hỏi về sở thích bản thân, em được thầy cô tư vấn, định hướng các môn khoa học tự nhiên. Em quyết định chọn tổ hợp 1 và rất háo hức năm học mới với những thay đổi này”.
Tại Trường THCS và THPT Quyết Tiến, huyện Tủa Chùa cũng có một số thay đổi. Năm học 2022 - 2023, Trường có 3 lớp 10, 156 học sinh với 3 tổ hợp: Ðịa lý - Giáo dục công dân - Sinh học - công nghệ; Ðịa lý - Giáo dục công dân - Sinh học - Hóa học; Ðịa lý - Giáo dục Công dân - Vật lý - Tin học. Các tổ hợp có sự đồng đều về số học sinh. Năm học mới, thầy Lê Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhờ cơ sở vật chất được đầu tư, dù số học sinh lớp 10 năm nay tương đương năm trước nhưng tổ chức thành 4 lớp. Dựa trên nguồn lực hiện có và kết quả rà soát nguyện vọng học sinh, Trường mở thêm 1 tổ hợp là Ðịa lý - Giáo dục công dân - Vật lý - Hóa học. Mục tiêu là có nhiều tổ hợp để tạo thêm cơ hội cho học sinh trong quá trình xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng”.
Sau 1 - 2 tuần học đầu, Trường sẽ tiến hành rà soát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng từng học sinh. Em nào có nguyện vọng chuyển đổi lớp, do cảm thấy chưa phù hợp sẽ được tư vấn, động viên và tạo điều kiện sớm để không gây xáo trộn và ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em. Năm học trước, Trường cũng có 2 em chuyển lớp/tổ hợp.
Sau năm đầu triển khai Chương trình GDPT 2018 với cấp THPT, theo thông tin từ Sở Giáo dục và Ðào tạo, tỉnh ta đã thu về nhiều kinh nghiệm. Ðó là: đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền việc đổi mới sách giáo khoa, chương trình giáo dục, đặc biệt là những điểm mới trong lựa chọn môn học... tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về chương trình, sách giáo khoa mới; bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập môn học lựa chọn của học sinh... Một năm học nữa lại bắt đầu, cả thầy và trò cấp THPT đã sẵn sàng cho những thay đổi và tiếp tục thực hiện tốt Chương trình GDPT mới.