Nâng cao hiệu quả triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”

09:22 - Thứ Sáu, 08/09/2023 Lượt xem: 6776 In bài viết

Ngày 7-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình thực hiện và đề xuất tiếp tục triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Quang cảnh buổi làm việc.

Đại diện Vụ Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông ký ban hành kế hoạch thực hiện.

Chương trình được triển khai thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 huy động 1 triệu máy tính bảng để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Giai đoạn 2 (từ năm 2022-2023), tiếp tục phát động để 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn được trang bị máy tính học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân bổ hơn 92.000 máy tính bảng từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông cho học sinh của 24 tỉnh, thành phố; phân bổ 513 tỷ đồng, tương ứng với hơn 205.000 máy tính bảng cho 17 tỉnh, thành phố để các địa phương chủ động mua sắm, kịp thời bàn giao cho học sinh.

Các địa phương đều đánh giá, chương trình có ý nghĩa nhân văn, thiết thực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết với học sinh có hoàn cảnh khó khăn để học trực tuyến và mong muốn chương trình tiếp tục được triển khai rộng rãi.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra một số hạn chế gặp phải trong quá trình triển khai chương trình như: Gói cước 4G chỉ hỗ trợ học sinh trong 3 tháng nên khi ngừng hỗ trợ, học sinh hộ nghèo không có khả năng duy trì gói cước, dẫn đến hạn chế việc sử dụng máy tính bảng tại gia đình; một số nơi chưa có sóng wifi hoặc 4G nên ảnh hưởng đến chất lượng học trực tuyến và việc tra cứu thông tin của học sinh...

Trước tình hình trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, phủ sóng các điểm lõm sóng để học sinh trên toàn quốc được tham gia học tập, tra cứu trên internet, bảo đảm công bằng cho mọi học sinh; đồng thời tiếp tục kêu gọi, vận động doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân hỗ trợ chương trình.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, khi bàn giao, các địa phương cần kiểm tra chặt chẽ đối tượng thụ hưởng và quan tâm đến việc bảo hành thiết bị khi hỏng hóc. Sau khi tốt nghiệp, học sinh được bàn giao máy có thể tặng lại thiết bị cho thư viện trường để trao cơ hội cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn...

Hiện nay, trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hơn 16.000 bài giảng điện tử, hơn 8.000 học liệu số. Ngành Giáo dục tiến tới thư viện trong tất cả cơ sở giáo dục tối thiểu có 25% tài nguyên số để học sinh truy cập, tải dữ liệu.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top