Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Lớp mượn, trường chia vẫn đảm bảo dạy tốt, học tốt

15:03 - Thứ Tư, 13/09/2023 Lượt xem: 8383 In bài viết

ĐBP - Cơ sở vật chất trường lớp vừa được phá dỡ để xây dựng mới ngay trước thềm năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ gặp không ít khó khăn để đảm bảo công tác giáo dục. Nhà trường đang phải mượn tạm phòng, lớp học tại 4 địa điểm khác nhau trong trung tâm TP. Điện Biên Phủ. Thầy, trò và phụ huynh cùng vượt khó, duy trì tốt việc dạy và học.

Cô và trò Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ trong một phòng học mượn.

Tâm thế tốt cho năm học khó

Năm học mới bắt đầu thật đặc biệt với Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ. Cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường cùng thực hiện nghi thức khai giảng tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh - 1 trong những địa điểm mà trường mượn cơ sở. Giờ chào cờ, sinh hoạt dưới cờ đầu tiên của năm học được đồng loạt tổ chức tại từng lớp, song song với trực tuyến kết nối các điểm.

Năm học này, Trường có 30 lớp với 1.058 học sinh, hiện đang học tại 4 địa điểm mượn gồm: Trường Tiểu học Him Lam (khối 3, 4), Tiểu học Noong Bua (khối 1, 2), Cao đẳng Sư phạm cùng Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ (khối 1, 2), Cao đẳng Y (khối 5). Để chuẩn bị cho những thay đổi lớn này, cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ cuối năm học trước, nhà trường cùng giáo viên chủ nhiệm các lớp đã thông tin đến phụ huynh và học sinh về việc phải di chuyển, học nhờ tại các cơ sở khác nhau. Tuyên truyền, động viên phụ huynh và học sinh cùng chia sẻ khó khăn với nhà trường, tạo sự đồng thuận cao cho năm học mới. Nhờ việc thông tin sớm và các địa điểm trong thành phố không cách quá xa nên triển khai không gặp vướng mắc gì, tất cả cùng nỗ lực vượt khó”.

Dù khó khăn về cơ sở vật chất nhưng các hoạt động chuyên đề vẫn được nhà trường duy trì. Trong ảnh: Học sinh nhà trường sinh hoạt chủ đề kỹ năng an toàn giao thông với sự tham gia của Công an phường Mường Thanh.

Để đảm bảo công tác giáo dục, nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ từ Ban Giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn đến cán bộ giáo viên tại từng cơ sở. Mỗi thành viên Ban Giám hiệu thường trực sát sao 1 điểm trường. Trong đó cơ sở mượn (tách biệt) của Trường Tiểu học Him Lam là trụ sở chính thực hiện các hoạt động điểm cầu trực tuyến, hội họp, sinh hoạt chuyên môn... Do cơ sở vật chất hạn chế nên năm học này hoạt động tập thể, ngoài trời của nhà trường không triển khai được đa dạng, sôi nổi như mọi năm mà thay vào đó tăng cường các hoạt động trong phạm vi khối, nhóm lớp cùng điểm và tương tác, trò chơi trong lớp học. 

Cô Trần Thị Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A1 (tại cơ sở Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ) chia sẻ: “Đến nhờ địa điểm khác, chúng tôi linh hoạt thay đổi cách quản lý lớp, cách dạy phù hợp với môi trường mới và điều kiện hiện có. Như việc các em không tham gia hoạt động toàn trường được thì sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động quy mô lớp thích hợp với không gian lớp và khuôn viên của cơ sở. Trong lớp học được lắp đặt máy chiếu, đồ dùng, thiết bị cần thiết đầy đủ nên việc tổ chức giờ học không gặp khó khăn gì. Về phía học sinh và phụ huynh, nhờ thông tin từ sớm nên nhận được sự ủng hộ cao, tâm lý thoải mái và sẵn sàng cho cả năm học”.

Việc chuẩn bị bữa ăn bán trú được tổ chức tại 1 điểm trường rồi vận chuyển đi các điểm khác.

Để phụ huynh yên tâm

4 cơ sở học khác nhau, điểm xa nhất là tại Trường Tiểu học Him Lam. Dù đều trong trung tâm TP. Điện Biên Phủ nhưng với học sinh tiểu học còn nhỏ, non nớt thì việc cho con đi quãng đường xa hơn, nhất là khi mưa gió, nắng nóng cũng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Để phụ huynh yên tâm, ngay từ buổi học đầu tiên của năm học mới (ngày 6/9), nhà trường đã khởi động nấu ăn bán trú cho học sinh, giúp các em và phụ huynh đỡ vất vả đưa đón. Hiện tại có hơn 700 học sinh đăng ký ăn trưa tại trường, tăng hơn 100 học sinh so với năm học trước.

Việc chăm lo ăn nghỉ bán trú cho học sinh được nhà trường chú trọng quan tâm. Đầu giờ sáng hàng ngày, Trường tổ chức nấu ăn tập trung tại điểm Trường Tiểu học Him Lam. Để đảm bảo vệ sinh và giữ cho bữa ăn nóng hổi, cơm và đồ ăn, canh đều được đựng trong các nồi đậy vung. Đến 9 giờ 30 phút, xe ô tô đến vận chuyển đồ ăn, bát, thìa, đũa đi từng cơ sở, có nhân viên bếp đi kèm hỗ trợ và phụ trách mỗi điểm. Khi học sinh ăn trưa xong, xe lại thu đồ trở về điểm ban đầu để bộ phận bếp dọn, rửa và sấy khô bát, thìa, đũa, sẵn sàng cho ngày hôm sau.

Đội cờ - trống tập nghi thức cho các hoạt động của nhà trường.

Cô Phạm Thị Phương Dung, phụ trách bán trú cho biết: “Năm học này, nhà trường đã lên phương án, xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng bộ phận để đảm bảo công tác ăn nghỉ bán trú cho học sinh. Nhà trường thuê thêm 3 nhân viên bếp, nâng tổng số nhân lực tổ phục vụ lên 11 người và hợp đồng xe vận chuyển đồ ăn đến các điểm hàng ngày”.

Sau ăn trưa, học sinh được bố trí nghỉ tại phòng học trên thảm xốp dày hoặc ghép bàn. Chị Trương Thị Hương, phụ huynh có con học lớp 4 tại điểm Trường Tiểu học Him Lam chia sẻ: “Đường đến trường hơi xa và một số đoạn rất đông đúc xe cộ giờ cao điểm, nên gia đình tôi cho con nghỉ trưa tại trường. Sáng đưa đi, chiều đón về. Tại địa điểm mượn này, tuy phòng học chật hẹp, nhưng các cô bố trí ăn, ngủ hợp lý nên gia đình cũng yên tâm, cố gắng 1 năm học; mong rằng năm sau trường mới hoàn thiện, các con đi học thuận lợi”.

Nhờ sự chuẩn bị và triển khai chu đáo, dù khó khăn về cơ sở vật chất nhưng việc dạy và học của Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không bị xáo trộn, thầy và trò cùng nỗ lực vượt khó duy trì nền nếp ngay từ đầu năm học.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top