ĐBP - Xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước nhằm mang tới mọi tầng lớp Nhân dân cơ hội được học tập và học tập suốt đời. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập; qua đó góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.
Thực hiện Ðề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và giai đoạn 2021 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, học tập, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, Chính phủ và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng xã hội học tập đến các tầng lớp Nhân dân. Ðồng thời, triển khai có hiệu quả các mô hình học tập, như: “Gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”. Tại huyện Ðiện Biên, những mô hình này đã được triển khai khá hiệu quả. Toàn huyện hiện có gần 250 dòng họ, trong đó nhiều gia đình, dòng họ đã xây dựng được quỹ khuyến học để khen thưởng, động viên con cháu đạt thành tích cao trong học tập, đỗ đạt. Tiêu biểu như dòng họ Nguyễn ở xã Thanh Xương, dòng họ Nguyễn Quang ở xã Thanh Chăn; dòng họ Bùi ở xã Noong Luống; dòng họ Vàng ở xã Mường Nhà...
Ông Nguyễn Quang Tại, thôn Thanh Hồng 10, xã Thanh Chăn chia sẻ: Dòng họ Nguyễn Quang hiện có 51 hộ, 86 thành viên ban khuyến học. Ðể khuyến khích các cháu học tập, dòng học đã ban hành quy chế với mức thưởng từ 30.000 - 200.000 đồng. Cụ thể như, đỗ đại học thưởng 200.000 đồng, đỗ cao đẳng thưởng 100.000 đồng, học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện thưởng 30.000 đồng, học sinh giỏi cấp tỉnh thưởng 50.000 đồng... Theo ông Nguyễn Quang Tại, phần thưởng dù không lớn nhưng đây là sự khích lệ rất kịp thời đối với các cháu; từ đó giúp các cháu cố gắng, nỗ lực hơn trong học tập.
Là huyện biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song bằng các cách làm sáng tạo, linh hoạt, nhất là việc phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của học suốt đời nên công tác khuyến học, khuyến tài; xây dựng “gia đình học tập”, “dòng họ học tập” trên địa bàn huyện Mường Nhé luôn được quan tâm đúng mức. Ðến nay, toàn huyện có trên 40% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”; hơn 30% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”; 30% các trường học đạt danh hiệu “Ðơn vị học tập”. Theo ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé, có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Riêng đối với đơn vị, với nhiệm vụ là cơ quan thường xuyên tham mưu cho UBND huyện các nội dung về công tác khuyến học, khuyến tài; phổ cập, xóa mù chữ... Phòng đã chủ động phối hợp với Hội Khuyến học huyện, cấp ủy, chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ khuyến học; duy trì công tác tuyên dương, khen thưởng học sinh, sinh viên, giáo viên có thành tích cao trong dạy và học nhằm tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng với đó, đề xuất cơ quan thẩm quyền đầu tư kinh phí xây dựng, tu sửa, mua sắm bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu học tập của con em địa phương.
Thực tế cho thấy, không chỉ mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Ðơn vị học tập” đã đi vào cuộc sống mà với mô hình “Công dân học tập” triển khai từ năm 2021 cũng đang mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Sau gần 3 năm triển khai mô hình “Công dân học tập”, qua đánh giá dựa trên các dữ liệu thu thập, rà soát, cơ bản công dân đều có nhận thức tích cực về mô hình, quan tâm hơn đến việc học tập, chủ động đọc sách, báo, tìm kiếm thông tin, học hỏi nâng cao kiến thức kỹ năng cập nhật, khai thác thông tin nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng công việc, cuộc sống...
Có thể nói, sau nhiều năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập, đến nay, phong trào học tập nói chung, xây dựng xã hội học tập nói riêng ở tỉnh ta đã và đang được duy trì, phát triển tốt. Quy mô, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh được củng cố và mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hiện toàn tỉnh có 330/463 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia (chiếm 71,2%); 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; cơ bản cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Giai đoạn 2012 - 2020 và từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 90.000 lao động được tham gia học nghề; phấn đấu đến năm 2025, mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 8.300 lao động, tạo việc làm mới cho 8.700 lao động/năm.