Tận dụng phế liệu làm đồ dùng, học cụ cho trẻ mầm non

15:30 - Thứ Tư, 20/09/2023 Lượt xem: 8604 In bài viết

ĐBP - Bước vào năm học mới 2023 - 2024, phòng học các lớp mầm non huyện Tuần Giáo đều được trang trí đẹp mắt, đa dạng chủ đề và thiết thực cho việc dạy và học. Ðể có không gian vừa học vừa chơi tốt nhất cho trẻ, giáo viên bậc mầm non trên địa bàn đã dành thời gian, công sức sáng tạo nhiều đồ dùng, đồ chơi từ các vật liệu khác nhau, trong đó phần lớn là tận dụng phế liệu.

Giáo viên Trường Mầm non Họa Mi làm cây từ bìa cát tông và lọ cắm hoa từ vỏ hộp bim bim.

Trước ngày khai giảng, giáo viên Trường Mầm non Họa Mi (xã Quài Tở) dành gần 1 tuần trang trí lại lớp học. Cô Bùi Thị Hương, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Năm học này trường đồng loạt thay đổi trang trí lớp học phù hợp với phương pháp giáo dục STEM. Các cô tận dụng phế liệu sẵn có trong cuộc sống để làm ra cây, con vật, mô hình theo nhiều chủ đề khác nhau. Việc tự làm đồ dùng, học cụ tận dụng từ phế liệu là hoạt động thường xuyên mà các giáo viên thực hiện hàng năm để phục vụ việc dạy và học, tạo sự thích thú, thu hút học sinh”.

Phòng học do cô Lê Thị Duyên phụ trách được trang trí đa dạng, sắp xếp theo từng không gian với các chủ đề, như: Góc học toán, góc nghệ thuật, đồ chơi, bản thân, thế giới thực vật, động vật, hiện tượng tự nhiên... cùng với nhiều bộ đồ dùng, học cụ tự làm khác. Khi chúng tôi đến trường, cô đang tỉ mỉ làm lọ đựng bút từ vỏ hộp snack, quấn dây xung quanh và đính các hình đẹp mắt bên ngoài. Cô Duyên chia sẻ: “Tôi giữ lại và sưu tầm thêm những đồ mà mọi người thường bỏ đi để làm các đồ dùng, đồ chơi mới cho học sinh. Như vỏ hạt, vỏ hộp sữa, tờ lịch, bìa cát tông... để làm con vật, giỏ cắm hoa, khung tranh... Dù những nguyên liệu rất đơn giản nhưng tạo hình ra nhiều đồ vật ngộ nghĩnh được các em yêu thích”.

Tại Trường Mầm non Ta Ma (xã Ta Ma), trung bình mỗi giáo viên có 10 bộ đồ dùng đồ chơi theo các chủ đề khác nhau do chính tay mình làm ra. Hàng năm, Nhà trường còn tổ chức “Hội thi Giáo viên làm đồ dùng đồ chơi tự tạo” để khuyến khích sự sáng tạo, khéo léo của các cô. Cô Lò Thị Minh, năm học trước (2022 - 2023) đạt giải nhất toàn trường cho biết: “Tôi thường làm mỗi bộ 10 loại học cụ. Tôi thường nghĩ các con thích chơi gì và đồ gì phù hợp với không gian lớp, với các bài giảng. Từ đó học hỏi làm ra các đồ dùng, đồ chơi khác nhau. Tôi chủ yếu tận dụng vỏ chai nhựa, lon bia, lõi cuộn giấy, mảnh vải, giấy bìa... chỉ mua thêm thứ cần thiết, như xốp, keo”.

Trong năm học, cô Minh cũng như các giáo viên khác thường tranh thủ thời gian trẻ ngủ trưa hoặc tối ở nhà, hay cuối tuần rảnh rỗi để làm các đồ dùng, đồ chơi. Từ bàn tay khéo léo của các cô, vỏ lon bia biến hóa những chú hươu, nai đáng yêu; vải vụn ghép lên bạn gà con nhỏ xinh; lõi cuộn giấy tạo hình dê, cừu; vỏ can nước giặt thành giỏ đựng hoa... Các vật liệu đều được giáo viên làm sạch, sát khuẩn rồi mới chế tác thành đồ dùng, đồ chơi. Do được xử lý kỹ nên đồ làm từ phế liệu đảm bảo yếu tố an toàn và vệ sinh, không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cùng với việc làm hoàn thiện, các cô còn chuẩn bị sẵn những nguyên vật liệu đơn giản như các loại hạt, vỏ hạt, vỏ ốc/ngao... để trẻ đưa ra ý tưởng hoặc hướng dẫn trẻ làm đồ theo chủ đề, chủ điểm. Qua đó tạo cơ hội cho trẻ thao tác, phát triển các kỹ năng, nhận thức, tính sáng tạo, nhằm giáo dục trẻ phát triển toàn diện.

Năm học 2023 - 2024 này, huyện Tuần Giáo có 24 trường mầm non với 96 điểm trường, 300 nhóm, lớp, 7.867 trẻ. Từ vùng thấp tới vùng cao, dù còn nhiều khó khăn nhưng phòng học nào cũng được các cô giáo tự tay trang trí sinh động, mang 1 diện mạo riêng. Từ lâu, việc tận dụng phế liệu làm các đồ dùng, đồ chơi cho học sinh đã được ngành Giáo dục huyện Tuần Giáo khuyến khích và dần trở thành phong trào, lan tỏa mạnh mẽ trong tất cả các cơ sở giáo dục. Các đồ dùng, đồ chơi tự tạo ấy không chỉ đẹp mắt, có giá trị sử dụng thiết thực, phục vụ đắc lực công tác giáo dục, mà còn giúp tiết kiệm chi phí cho ngân sách Nhà nước và phụ huynh học sinh, tạo không gian học tập thu hút các em. Ðồng thời, góp phần trang hoàng lớp học, rút bớt khoảng cảnh giữa giáo dục vùng khó khăn với nơi thuận lợi, nhất là những địa bàn vùng cao còn hạn chế về cơ sở vật chất, lớp học cũ hoặc chưa kiên cố hóa.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top