Nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho học sinh

09:31 - Thứ Bảy, 23/09/2023 Lượt xem: 8076 In bài viết

ĐBP - Xác định sách là “kho tàng tri thức” vô giá, những năm qua các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm phát triển văn hóa đọc trong học sinh. Qua nhiều hoạt động tạo cơ hội cho các em tiếp cận, rèn luyện thói quen đọc sách, làm phong phú kiến thức và giúp các em thư giãn sau những giờ học.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn tranh thủ đọc sách giờ ra chơi tại không gian đọc sách chân cầu thang gần lớp học.

Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn (xã Sam Mứn, huyện Ðiện Biên), do khó khăn, hiện chỉ có 1 thư viện diện tích 50m2 và số lượng đầu sách không nhiều, chưa đa dạng. Ðặc biệt là, có ít sách dành cho cấp THCS, do trường mới sáp nhập liên cấp năm 2020. Tuy nhiên, Ban Giám hiệu nhà trường quan điểm dù ít hay nhiều vẫn phải tạo điều kiện tốt nhất cho các em tiếp cận sách và khám phá thế giới qua những trang sách. Ðể tạo niềm yêu thích đọc sách, phát triển văn hóa đọc cho học sinh, Nhà trường đã bố trí thêm 3 khu đọc sách “mở” tại các sảnh cầu thang, hành lang lớp học. Mỗi vị trí đều bố trí ít nhất 1 giá sách đủ loại phù hợp với độ tuổi, khối lớp ở gần, mấy chiếc ghế dài, điểm thêm vài lọ hoa, tạo không gian đọc sách thoáng, sáng, đẹp mắt. Quan trọng hơn cả là thuận tiện cho học sinh đọc bất kỳ lúc nào: Ðầu giờ sáng, giờ ra chơi, buổi trưa hoặc sau khi tan học...

Học sinh Lò Hoàng Long, lớp 6A chia sẻ: “Từ khi gần lớp cháu có 1 giá sách, cháu thường tranh thủ hết tiết học ra chọn sách đọc, chủ yếu là truyện cổ tích, sách khám phá tự nhiên, khoa học. Mỗi ngày có thể chỉ đọc vài trang nhưng cháu thấy rất bổ ích, biết thêm nhiều điều về thế giới bên ngoài. Không biết từ bao giờ cháu đã rất thích đọc sách và khám phá khoa học”.

Ðể đa dạng kho sách, nuôi dưỡng tình yêu sách cho học sinh, thầy Bùi Tiến Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn cho biết: “Trường dự kiến mở rộng diện tích thư viện lên 100m2, bố trí thêm một số không gian đọc sách tại các dãy lớp học, tòa nhà để các em dễ dàng tìm đến sách bất kỳ lúc nào ngoài giờ học. Hàng năm tích cực tham gia, tổ chức ngày hội sách để truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh. Cùng với đó cân đối các nguồn kinh phí đầu tư thêm sách mới, tiếp tục xã hội hóa tăng kho sách, ưu tiên sách dành cho bậc THCS. Năm học trước, Trường đã tiếp nhận hỗ trợ từ một số tổ chức, cá nhân 100 đầu sách với 400 bản. Năm nay tiếp tục huy động mong kho sách thêm đầy, thế giới cũng mở ra rộng lớn hơn với các em”.

Không riêng ngôi trường trên, mà từ trường mầm non đến THPT, từ thành phố đến vùng sâu vùng xa, học sinh toàn tỉnh ta đều có cơ hội tiếp cận với sách. Ngoài sách giáo khoa phục vụ học tập, thư viện có nhiều loại sách, như: Truyện tranh, truyện cổ tích, kỹ năng sống, khám phá khoa học, thiên nhiên, tâm lý học đường... Dù có nhiều trường khó khăn, chưa đầu tư được kho sách đa dạng, hay thư viện hiện đại nhưng sách luôn là một phần quan trọng, được quan tâm. Ở nhiều trường, sách được chia về tủ sách từng phòng học, thường xuyên đảo giữa các lớp để thuận tiện cho học sinh đọc, nghiên cứu, tìm tòi. Có thể khẳng định, ngành Giáo dục đã đầu tư nâng cấp, đổi mới hoạt động thư viện trường học và có nhiều cách đưa sách đến gần hơn với học sinh.  “Thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “thư viện điện tử”... trong trường học cũng nhờ thế ngày càng phát triển rộng rãi. Ðến hết năm học 2022 - 2023, trên địa bàn tỉnh có 152/295 trường phổ thông được công nhận danh hiệu thư viện đạt chuẩn, tiên tiến, đạt 51,53%. Trong đó cấp tiểu học có 71/140 thư viện trường học được công nhận, cấp THCS có 67/122 thư viện trường học được công nhận, cấp THPT có 14/33 thư viện trường học đạt chuẩn, tiên tiến.

Ngoài quan tâm phát triển thư viện để tạo điều kiện tiếp cận sách cho học sinh, thì các cơ sở giáo dục cũng tích cực hưởng ứng ngày hội đọc sách hàng năm; phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức đón đọc các chuyến xe thư viện lưu động đến từng huyện, từng trường. Sở Giáo dục và Ðào tạo cũng chỉ đạo các phòng cấp huyện chủ động phối hợp với Thư viện tỉnh thực hiện thí điểm luân chuyển giữa thư viện công cộng và thư viện nhà trường, phối hợp làm thẻ bạn đọc tập thể cho học sinh các trường trong lòng chảo.

Nhiều hoạt động đã được triển khai nhưng không thể phủ nhận, ngày nay, sách đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các thiết bị điện tử trong việc thu hút người xem, văn hóa đọc có phần bị mai một. Bên cạnh đó, hoạt động thư viện của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp khó khăn. Diện tích thư viện các trường phổ thông đa phần nhỏ hẹp, vốn tài liệu còn sơ sài, ít sách truyện giải trí. Nguyên nhân bởi nhiều trường phổ thông ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tập trung nguồn lực đầu tư chủ yếu xây dựng phòng học, nhà nội trú, bán trú cho học sinh, nên việc bổ sung, mua sắm tài liệu, sách, báo bị hạn chế kinh phí... Ðể đáp ứng nhu cầu đọc, nuôi dưỡng thói quen đọc và truyền tình yêu sách cho học sinh, nhất là các địa bàn vùng cao, cần sự quan tâm, “tiếp sức” của cộng đồng.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top