Giải pháp hạn chế sự chênh lệch mức lương giáo viên mầm non với phổ thông

15:29 - Thứ Ba, 26/09/2023 Lượt xem: 5435 In bài viết

Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất bảng lương ngành giáo dục và đào tạo theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và tính chất mức độ phức tạp của công việc, trong đó đã đề xuất phụ cấp ưu đãi nghề ở mức cao nhất.

Trước băn khoăn của giáo viên về vấn đề bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương chưa tương xứng giữa bậc mầm non và phổ thông, và đề nghị có chính sách phù hợp, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Hiện tại, Chính phủ quy định một bảng lương chung cho tất cả viên chức các ngành, lĩnh vực. Cụ thể, đó là Bảng 3 - Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, hệ số lương của viên chức loại A0 được áp dụng đối với các viên chức có yêu cầu trình độ cao đẳng; hệ số lương của viên chức loại A1 được áp dụng đối với các viên chức có yêu cầu trình độ đại học.

Căn cứ vào yêu cầu trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, phổ thông theo quy định tại Luật Giáo dục, giáo viên mầm non hạng III (là hạng khởi điểm, với yêu cầu trình độ cao đẳng) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89); giáo viên phổ thông hạng III (hạng khởi điểm, trình độ đại học) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).

Như vậy, về cơ bản, bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non hạng III và giáo viên phổ thông hạng III không có khác biệt nhiều.

Tuy nhiên, bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non hạng II và giáo viên phổ thông hạng II có sự chênh lệch tương đối. Cụ thể, giáo viên mầm non hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98); giáo viên phổ thông hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2.2 (từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để giáo viên phổ thông có thể được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp giáo viên phổ thông hạng II phải có đủ từ 9 năm giữ hạng III và tương đương; còn giáo viên mầm non chỉ cần có đủ từ 3 năm giữ hạng III và tương đương (mặc dù Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định phải đủ từ 9 năm). Đây chính là chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với giáo viên mầm non với những đặc thù nghề nghiệp.

Thời gian tới, khi Chính phủ thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương (theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018) thì Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.

Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất bảng lương ngành giáo dục và đào tạo theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và tính chất mức độ phức tạp của công việc, trong đó đã đề xuất phụ cấp ưu đãi nghề ở mức cao nhất nhằm cải thiện một phần thu nhập của giáo viên.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Luật Nhà giáo và kỳ vọng những chính sách về tiền lương, phụ cấp, chính sách về tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng giáo viên sẽ được quy định trong Luật.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top