Không nên trễ thêm

16:11 - Thứ Ba, 26/09/2023 Lượt xem: 5100 In bài viết

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là dấu mốc quan trọng - kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những năm trước đó sẽ là nền tảng quan trọng để tổ chức kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm 2025.

Trên thế giới, mỗi quốc gia có một cách thức thi hoặc xét tốt nghiệp khác nhau, không có đúng hay sai mà chỉ phục vụ hiệu quả nhất cho mục đích giáo dục của quốc gia đó. Tuy nhiên, điểm chung của các nước là phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT đều theo hướng gọn nhẹ, tôn trọng, phát huy sở trường, thế mạnh của học sinh.

Mặt khác, kỳ thi cũng phải cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Nước ta cũng đã nhiều lần đưa ra yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT phải được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy, khách quan.

Dĩ nhiên, với việc thực hiện tự chủ đại học ngày càng cao, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện chỉ đóng vai trò cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học chứ không đóng vai trò trực tiếp. Các trường đại học, cao đẳng cần tiến tới tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh với phương thức tuyển sinh phù hợp với từng trường.

Nhưng, có thể thấy, cho đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn đang là kỳ thi đáng tin cậy nhất để các trường đại học tin tưởng dùng kết quả xét tuyển. Ngay cả Đại học Bách khoa Hà Nội, trong năm 2023, dù có nhiều phương thức tuyển sinh, tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy riêng nhưng trong số hơn 8.000 thí sinh được tuyển vẫn có 57% là nguồn lấy từ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Phương án thi từ năm 2025 đến thời điểm này vẫn chưa được công bố, thậm chí vẫn đang gây tranh luận về số môn thi bao nhiêu là phù hợp, về việc môn Lịch sử có nên là môn thi bắt buộc hay không. GS Đỗ Đức Thái (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), chủ biên môn Toán của chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng, đối với mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần tạo dựng niềm tin cho học sinh và cha mẹ học sinh về giá trị, học vấn của môn học đó mang lại cho bản thân người học sau này, từ đó động viên, lôi cuốn học sinh vào môn học.

Để đạt được điều đó không thể dùng biện pháp hành chính, bắt buộc thi để buộc học sinh phải học môn học đó mà nên tập trung vào đổi mới nội dung và phương pháp dạy học. Đó cũng là lý do mà chuyên gia này đưa ra đề nghị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên quy mô toàn quốc nhưng với môn bắt buộc chỉ nên lựa chọn một trong hai phương án: thứ nhất là 2 môn Toán, Ngữ văn; thứ hai là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Còn môn tự chọn là hai môn học sở trường được học sinh chọn từ những môn học được giảng dạy ở THPT, phù hợp với việc học theo định hướng nghề nghiệp.

Hiện nay, điều mà các giáo viên, học sinh rất quan tâm là phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Việc công bố sớm phương án thi giúp cho học sinh sớm chuẩn bị tâm thế. Điều đó cũng liên quan đến việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; sớm xây dựng ngân hàng đề để ôn tập, phụ đạo cho học sinh; có cơ chế, chính sách thỏa đáng, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên ôn thi tốt nghiệp THPT. Do đó, công bố phương án thi từ 2025 cần được Bộ GD-ĐT công bố sớm, không nên trễ thêm nhằm giải tỏa tâm lý cho học sinh, giáo viên.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top