Tiếp tục triển khai tốt Chương trình Giáo dục phổ thông mới

15:15 - Thứ Tư, 27/09/2023 Lượt xem: 7470 In bài viết

ĐBP - Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đối với cấp tiểu học, năm thứ 3 với THCS và năm thứ 2 với THPT. Ðã có kinh nghiệm triển khai những năm trước, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tỉnh ta nói chung, các cơ sở giáo dục nói riêng tiếp tục khắc phục khó khăn, tích cực triển khai nhiệm vụ năm học.

Giờ học của cô trò Trường Tiểu học số 2 Mường Pồn.

Ðây là năm học đầu tiên thầy Lò Văn Hùng, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Mường Pồn, huyện Ðiện Biên, dạy Chương trình GDPT năm 2018, cũng là năm thầy chủ nhiệm lớp 4. Chương trình mới có nhiều điểm khác với chương trình cũ, từ mục tiêu đến nội dung, cách thức, phương pháp giảng dạy. Vì vậy, để chuẩn bị cho năm học mới, thầy Hùng không chỉ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn liên quan mà còn tích cực học hỏi, tham khảo từ đồng nghiệp để xây dựng bài giảng, giáo án phù hợp, chất lượng. Thầy Hùng chia sẻ: Năm học này, tôi tăng cường tổ chức nhiều hoạt động vận động, trò chơi đầu tiết học để hướng các em đến chủ đề, nội dung học; lồng ghép, tận dụng các đồ dùng, thiết bị học tập hiện có của trường và dễ tìm trong cuộc sống để thu hút các em vào bài giảng, giúp các em tư duy, nhận định, đánh giá, khám phá sự vật, sự việc. Tuy thầy phải “đau đầu” sáng tạo các trò chơi, hoạt động gắn với bài học nhưng các em tập trung và hứng thú hơn nhiều, tương tác rất sôi nổi, vui vẻ và chủ động thực hiện các nhiệm vụ học tập.

Ðó cũng là phương pháp dạy và học mà cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Mường Pồn đang tiếp tục triển khai trong năm học này. Trường hiện có 11 lớp với 239 học sinh, 1 trường trung tâm và 3 điểm bản. Cô Mạc Thị Sâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Về đội ngũ, cơ sở vật chất đã được đầu tư đảm bảo thực hiện tốt Chương trình GDPT năm 2018. Ðội ngũ giáo viên trẻ, năng động, nhiệt tình và có kinh nghiệm trong dạy chương trình mới. Tuy nhiên Trường đang nỗ lực khắc phục một số khó khăn: Ở điểm bản đều là lớp ghép 1+2, giao thông đến điểm bản còn khó khăn, cách trở. Ðịa bàn có 3 dân tộc (Thái, Mông, Khơ Mú), một số ít gia đình chưa quan tâm đúng mức đến việc học của con em nên thầy cô phải tích cực tuyên truyền, vận động, đón trẻ để đảm bảo không gián đoạn việc học. Ðồng thời tìm hiểu, linh hoạt dạy môn Giáo dục địa phương gắn với đặc thù địa bàn, mang lại hiệu quả xã hội tốt”.

Không riêng Mường Pồn, mỗi địa bàn đều có những khó khăn khác nhau trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trong đó, nhiều điểm khó chung, như: Ðặc thù địa phương khó khăn, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất hạn chế, thiết bị dạy học chưa đầy đủ, chế độ, chính sách cho cán bộ giáo viên còn thấp... Dù nỗ lực khắc phục, thực hiện đảm bảo chương trình, nhiệm vụ năm học nhưng các địa bàn mong muốn, đề xuất nhiều vấn đề. Ông Nguyễn Ðức Quang, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Mường Ảng cho biết: “Huyện hiện có 38 cơ sở giáo dục với hơn 15.500 học sinh. Ðể đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT năm 2018, Mường Ảng mong muốn được bổ sung biên chế giáo viên vì tỷ lệ giáo viên/lớp của huyện thấp. Toàn huyện thiếu 84 giáo viên so với định mức, trong đó mầm non thiếu 60, tiểu học thiếu 14, THCS thiếu 10 giáo viên. Ðồng thời kiến nghị có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, nhà giáo công tác ở những trường phổ thông có học sinh bán trú như trường phổ thông DTBT. Ðề nghị các cấp tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, mở rộng phòng học có diện tích hẹp do đã xây dựng từ lâu...”.

Dù còn những khó khăn, nhưng các cơ sở giáo dục cùng toàn ngành GD&ÐT tỉnh vẫn chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 trong năm học mới này. Về đội ngũ, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục rà soát số lượng giáo viên hiện có và xác định rõ số giáo viên còn thiếu, tham mưu chính quyền địa phương tiếp nhận, tuyển dụng, hợp đồng, bố trí luân chuyển, điều động, đảm bảo nhân lực cho năm học và thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Về cơ sở vật chất - thiết bị, chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện trường lớp học. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 8.325 phòng học (tỉ lệ kiên cố 66,46%), 1.416 phòng học bộ môn (tỉ lệ kiên cố 75,63%). Cùng với đó, xây dựng kế hoạch thực hiện việc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, nhất là đối với lớp 4, 8, 11 năm đầu dạy Chương trình GDPT 2018. Các cơ sở giáo dục phổ thông toàn tỉnh hiện có 2.191 bộ thiết bị dạy học theo thông tư của Bộ GD&ÐT, thiếu 311 bộ so với nhu cầu. Thông tin từ Sở GD&ÐT cho biết, ngành ưu tiên mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 10, lớp 11 cho cấp THPT; lớp 4, lớp 8, lớp 10, 11 cho các trường phổ thông DTNT, DTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú. Dự kiến hoàn thành trong quý IV/2023.

Qua đó, công tác giáo dục nói chung, triển khai Chương trình GDPT mới trong năm học này trên địa bàn tỉnh ta hiện đang diễn ra suôn sẻ, đúng kế hoạch và nhiệm vụ đề ra.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top