Góc nhìn giáo dục

Gốc của sự minh bạch

15:38 - Thứ Hai, 02/10/2023 Lượt xem: 6715 In bài viết

Tuần qua, trên khắp các diễn đàn, nhiều người đã thể hiện sự bức xúc trước các khoản phụ thu đầu năm học, rồi học thêm, ngoại khóa.

Thật tình, những bức xúc đó không phải không có căn cứ, khi buổi họp đầu năm học mới thay vì bàn việc nhà trường và gia đình phối hợp như thế nào để việc học tập của con em trở nên tốt hơn thì lại thành cuộc họp... thu tiền. Cuộc họp gây nên bao tranh cãi giữa giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện phụ huynh và những cha mẹ không đồng ý đóng góp. Những đối đáp nặng lời dẫn đến mâu thuẫn, tổn thương cho các bên và xã hội thấy xót xa vì một môi trường mẫu mực như giáo dục lại bị đồng tiền tác động ghê gớm.

Ảnh minh họa: TTXVN  

Không bàn về việc giáo viên như người “đứng giữa”, mang rất nhiều nỗi niềm, bởi bản thân họ cũng thấy mơ hồ, khó hiểu khi phải giải thích một số khoản thu mà nhà trường đưa xuống. Có lẽ cần nhìn vấn đề mang tên “lạm thu” một cách thấu đáo hơn. Vì sao hiện tượng gây bức xúc này năm nào cũng diễn ra? Phải chăng, môi trường giáo dục đã xuống cấp, hay nó phản ánh một điều gì đó của xã hội? Điều đó làm tôi nhớ đến lời nói của một người bạn: “Thu nhập là X, chi phí là Y. Phụ thu chẳng qua là phần Y-X”. Về mặt quản lý xã hội, nếu cứ để phép tính kia dương mãi thì mục đích thu đủ bù chi lâu dần sẽ dẫn đến lạm thu.

Chừng nào câu chuyện tiền lương của giáo viên chưa được giải quyết thì câu chuyện lạm thu còn tiếp tục. Chưa kể, nhìn một cách khách quan, sở dĩ có những khoản đóng góp "tự nguyện", xã hội hóa, vận động tài trợ là do nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục của chúng ta còn hạn chế, không đáp ứng nhu cầu thực tế. Điều này dẫn đến việc nhà trường phải tự thu những khoản phụ thu để trang trải các chi phí cho học sinh như mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Cùng với đó, giá các mặt hàng liên quan đến giáo dục như sách vở, đồng phục, đồ dùng học tập... liên tục tăng cao, khiến chi phí cho một học sinh ngày càng tăng. Rồi áp lực thi cử và cạnh tranh trong giáo dục khiến nhiều phụ huynh phải cho con đi học thêm, hoạt động ngoại khóa, tạo cơ hội để nhà trường thu thêm các khoản tiền.

Bên cạnh đó là sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng; một số giáo viên và cán bộ nhà trường chưa thực sự tâm huyết với nghề, có tâm lý “bóc lột” học sinh và phụ huynh để kiếm tiền trái quy định. Để xảy ra những bức xúc liên quan đến lạm thu cũng có một phần trách nhiệm của phụ huynh. Nhiều cha mẹ sợ con bị ảnh hưởng, sợ các phụ huynh nhìn mình bằng ánh mắt khác nên không dám lên tiếng, nhưng lại bày tỏ bức xúc ở nơi khác, dẫn tới những nhiễu loạn không đáng có. Nhiều người không nắm được các thông tư, hướng dẫn của cơ quan chức năng để biết cần phải đóng khoản gì và không đóng khoản gì. Còn có những phụ huynh thích nộp tiền nhiều để giáo viên quan tâm hơn đến con mình, kêu gọi mọi người đóng tiền nhiều để ghi điểm với giáo viên...

Câu chuyện lạm thu sẽ còn tiếp diễn hằng năm nếu như lương cho giáo viên, cơ sở vật chất giáo dục chưa được tính đúng, tính đủ. Đó chính là cái gốc của sự minh bạch!

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top