Ðảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh bán trú

16:08 - Thứ Tư, 04/10/2023 Lượt xem: 6058 In bài viết

ĐBP - Thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP) đã được các cấp, ngành tỉnh, đặc biệt là ngành Giáo dục và Ðào tạo, các cơ sở giáo dục quan tâm, tổ chức thực hiện tốt các quy định, tạo môi trường an toàn cho người học. Tuy nhiên, vừa qua trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm, đặt ra vấn đề phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là trong các cơ sở giáo dục trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết...

Nhân viên y tế Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mường Toong số 1 lưu mẫu thức ăn hàng ngày của học sinh bán trú.

Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 484 trường học các cấp; trong đó, 387/484 trường tổ chức ăn bán trú, nội trú, với gần 113.000 học sinh ăn bán trú tại trường học, chiếm trên 50% tổng số học sinh, sinh viên. Các trường học phần lớn là tự tổ chức nấu ăn cho học sinh tại trường (cấp mầm non 100%). Theo ông Nguyễn Văn Ðoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo, toàn tỉnh hiện có 317/484 trường (đạt 65,5%) có nhân viên y tế chuyên trách. Số trường chưa có nhân viên y tế chuyên trách đều bố trí nhân viên khác hoặc giáo viên kiêm nhiệm và thực hiện kí hợp đồng với trạm y tế cấp xã trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Ðội ngũ nhân viên y tế trường học này đóng vai trò quan trọng trong công tác tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ y tế trường học; trong đó có việc đảm bảo ATTP trong bữa ăn bán trú, nội trú cho học sinh.

“Trước tình hình những vụ ngộ độc diễn ra liên tiếp, ngành đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn trực tuyến về công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm tới tất cả các trường trong toàn tỉnh. Qua đó, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành trong đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm cho bếp ăn tập thể; quy trình và nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn. Ðồng thời, có sự hướng dẫn kiểm tra giám sát tại bếp ăn tập thể, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP cho các cơ sở giáo dục...” - ông Nguyễn Văn Ðoạt cho biết.

Huyện Mường Nhé có 34 trường; trong đó, 22 trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú với 6.734 học sinh thuộc diện bán trú. Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé đặc biệt quan tâm đến công tác nuôi dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn. Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Hiện nay, 100% trường PTDT bán trú trên địa bàn huyện đều có nhà ăn, nhà bếp (tính cả nhà tạm) và tổ chức cho học sinh được ăn 3 bữa/ngày. Ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu các trường đã triển khai họp phụ huynh lấy ý kiến và thống nhất việc tổ chức nấu ăn cho học sinh đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chế độ theo quy định; thành lập ban quản lý chăm sóc học sinh bán trú, xây dựng kế hoạch, nội quy, minh bạch về hồ sơ, sổ sách. Phòng cũng chỉ đạo các trường tuân thủ các biện pháp vệ sinh ATTP theo từng khâu: Nhập, xuất, kiểm tra thức ăn, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Ðể đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các trường đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm uy tín, tổ chức cho học sinh tăng gia chăn nuôi, trồng các loại rau xanh cải thiện bữa ăn. Các thầy cô giáo tổ chức hướng dẫn cho học sinh bán trú thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh dụng cụ khay, bát... trước và sau khi ăn. Nhiều năm qua trên địa bàn huyện không có học sinh ngộ độc thực phẩm, không có học sinh bị tai nạn thương tích.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mường Toong số 1, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé có trên 450 học sinh thuộc diện bán trú tại trường. Trước khi bắt đầu năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khu nội trú. Ðồng thời, tuyên truyền giáo dục học sinh ý thức vệ sinh cá nhân, tự chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh. Cô giáo Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mường Toong số 1 chia sẻ: “Ðảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học thì việc đầu tiên thực phẩm nhập vào phải từ những nơi uy tín. Trường chúng tôi ưu tiên sử dụng thực phẩm tại địa phương, do người địa phương cung cấp trong ngày nên không có đồ đông lạnh. Thậm chí, rau củ chúng tôi còn nhập của phụ huynh học sinh mang tới, thường là bí đỏ, bí xanh. Có thể như vậy bữa ăn hơi đơn điệu nhưng đảm bảo được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm... Thêm nữa, nhân viên nấu ăn phải được kiểm tra sức khỏe thường xuyên; khi chế biến phải đeo găng tay, tạp dề, khẩu trang đầy đủ. Nhà trường cũng thực hiện nghiêm việc lưu mẫu thức ăn và có nhân viên y tế theo dõi đúng quy định...”.

Mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh nhà đã cố gắng huy động mọi nguồn lực nhằm duy trì, thực hiện tốt hơn nữa chăm sóc toàn diện sức khỏe học sinh bán trú, trong đó đặc biệt chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc huy động và duy trì sĩ số học sinh, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần, từng bước phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top