Vì sự nghiệp giáo dục vùng khó

09:43 - Thứ Năm, 05/10/2023 Lượt xem: 6315 In bài viết

ĐBP - Với sự chung tay, tiếp sức của toàn xã hội, những lớp học tạm ở địa bàn vùng cao khó khăn của Ðiện Biên đã thay bằng phòng học, ngôi trường mới khang trang…

Ðiểm trường Nậm Chua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lèng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Quảng Ninh tài trợ xây dựng với kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Ðiểm trường Huổi Ít B, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Huổi Mí (huyện Mường Chà) 100% học sinh dân tộc Mông và là một trong những điểm trường khó khăn nhất của xã Huổi Mí. Nhiều năm qua, vì giao thông đi lại khó khăn, chưa có điện lưới quốc gia nên sự học nơi đây bội phần vất vả. Hễ mưa hoặc mùa đông lạnh giá, cả giáo viên và học sinh Huổi Ít B đều gặp nhiều khó khăn khi tổ chức các hoạt động. Thầy Cà Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí cho biết: “Trong điều kiện khó khăn như vậy, Trường đã nhận được nhiều sự quan tâm, sẻ chia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Mới đây, qua khớp nối của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, điểm trường Huổi Ít B đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp gồm 2 phòng học, 2 phòng công vụ cho giáo viên và một số hạng mục đi kèm với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng”.

Cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất, cuối năm 2022, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Quảng Ninh tài trợ hơn 2 tỷ đồng để xây dựng điểm trường Nậm Chua, gồm 2 phòng học với tổng diện tích hơn 80m2. Sau hơn 4 tháng thi công, công trình đã hoàn thành vào đầu tháng 3/2023. Thầy Hoàng Thanh Nghị, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động khi được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân đã đầu tư kinh phí xây dựng điểm trường. Trường sẽ bố trí, sắp xếp và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất được đầu tư. Ðồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội để công tác giáo dục của Trường từng bước đi lên”.

Tại huyện Mường Nhé, từ năm 2015 đến nay, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện cùng các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã huy động hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà, lớp học (xóa nhà tranh tre, nứa lá); tặng đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập cho học sinh, giáo viên, thiết bị dạy học cho các đơn vị trường, nuôi ăn học sinh tại các điểm trường học sinh không thuộc diện hưởng chế độ của Nhà nước… Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Là huyện biên giới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, do đó, thời gian qua, công tác xã hội hóa giáo dục được Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đẩy mạnh với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Từ nguồn xã hội hóa nhiều trường trên địa bàn huyện được xây dựng phòng, lớp học và hỗ trợ thiết bị học tập.

Cô và trò Trường Mầm non Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) phấn khởi sử dụng nguồn nước giếng khoan do Quỹ trò nghèo vùng cao tài trợ.

Có thể nói thời gian qua, các cấp, các ngành, nhất là ngành Giáo dục và Ðào tạo đang đặc biệt quan tâm nâng cấp hoặc xây mới phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp học, cơ sở vật chất. Thường xuyên kêu gọi các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân chung tay đầu tư, phát triển hạ tầng giáo dục. Thông qua nguồn xã hội hóa, đã có hàng trăm phòng học, công trình phụ trợ được xây dựng. Qua thống kê của Sở Giáo dục và Ðào tạo, 5 năm gần đây, ngành đã huy động các nguồn lực xã hội hóa  với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng để xây dựng các công trình giáo dục tại 132 trường/điểm trường. Trong đó, xây dựng 258 phòng học; 118 phòng ở bán trú; 101 phòng công vụ; 29 nhà bếp, nhà ăn; 105 phòng vệ sinh…

Ông Nguyễn Văn Ðoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo cho biết: Những năm qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân vẫn đang dành những điều kiện tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục. Ðiều này góp phần mang đến những ngôi trường ngày càng khang trang, lớp học đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo dục vùng khó; từ đó tạo động lực, thúc đẩy khuyến học, khuyến tài, đồng thời là niềm vui cho học sinh mỗi khi đến trường. Dẫu vậy, trên cương vị là lãnh đạo ngành, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo cũng trăn trở bởi hiện nay nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn còn những phòng, lớp học chưa đáp ứng yêu cầu cho công tác đổi mới giáo dục. Bởi thế, ngành rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân thông qua các chương trình thiện nguyện, giúp tỉnh từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top