Báo động ngộ độc thực phẩm học đường

16:15 - Thứ Năm, 05/10/2023 Lượt xem: 6106 In bài viết

Gần 30 học sinh ở Thái Bình có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh trung thu ở lớp; nhiều học sinh bị ngộ độc khi mua nước ở cổng trường ở Cao Bằng, hoặc uống trà sữa tự pha trong giờ thực hành rồi bị ngộ độc tại Lào Cai… là những hồi chuông cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm học đường.

Trải nghiệm làm trà sữa trong giờ học, học trò bị ngộ độc

Năm học mới vừa bắt đầu nhưng liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm học đường tại một số địa phương. Theo Sở Y tế Lào Cai, sáng 25/9, tại một lớp học Trường THPT Pom Hán, TP Lào Cai triển khai tiết Khoa học tự nhiên (Hóa) có nội dung cho học sinh trải nghiệm làm trà sữa ngay trên lớp. Buổi trải nghiệm gồm cô giáo và 38 em học sinh. Trong quá trình thực hành các em học sinh không sử dụng bảo hộ lao động như găng tay, đội mũ...

Cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Ảnh minh họa.

Sau khi pha chế xong, cô giáo bộ môn nghiệm thu sản phẩm và cô đã cùng học sinh cả lớp uống sản phẩm do mình vừa làm ra (mỗi học sinh 1 cốc). 1 giờ sau, có 5 em xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, đau đầu. Các em đã kịp thời được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để thăm khám, điều trị và đã ổn định sức khỏe ra viện.

Trung tâm Y tế TP Lào Cai phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra cơ sở kinh doanh nguyên liệu pha chế trà sữa cho học sinh và xử phạt vi phạm hành chính 1,55 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc và không niêm yết giá; đồng thời tiến hành lấy 6 mẫu nguyên liệu thực phẩm các em đã mua để pha chế món trà sữa nói trên gửi kiểm nghiệm tìm nguyên nhân.

Cũng bị ngộ độc thực phẩm ngay tại trường học là 28 học sinh lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải (Thái Bình) sau khi ăn bánh ngọt tại lớp. Sau khi điều tra, xác minh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Bình xác định, khoảng hơn 10h sáng 28/9, lớp tổ chức liên hoan Trung thu cho 37 học sinh. Thực phẩm gồm 2 bánh bông lan trứng muối đặt tại cơ sở bánh kem ở xã An Ninh (huyện Tiền Hải). Có 28 học sinh ăn, 9 học sinh không ăn. Đến chiều, 28 học sinh có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, trong đó 25 học sinh phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải, 3 học sinh nhẹ hơn được theo dõi tại nhà.

Các mẫu thực phẩm ở cơ sở sản xuất bánh và mẫu bệnh phẩm của học sinh bị ngộ độc đã được gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm. Theo đánh giá bước đầu của Chi cục An toàn thực phẩm Thái Bình, nguyên nhân ngộ độc là món bánh bông lan trứng muối, căn nguyên do vi sinh vật. Chi cục An toàn thực phẩm Thái Bình sẽ xem xét các hành vi vi phạm pháp luật của cơ sở để xảy ra ngộ độc thực phẩm, kiến nghị xử lý theo quy định.

Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm TP Lào Cai kiểm tra cơ sở bán nguyên liệu pha chế trà sữa cho học sinh.

Phải kiểm tra, giám sát thường xuyên

Đã có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học khiến hàng trăm học sinh phải nhập viện cấp cứu như ở Trường iSchool Nha Trang vào năm ngoái, hay Trường Tiểu học Kim Giang (Hà Nội) trong chuyến đi tham quan dã ngoại vào đầu năm nay. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Thủ đô có hơn 5.159 bếp ăn tập thể, trong đó có 309 bếp ăn tại các khu công nghiệp, 4.850 bếp ăn trường học và cơ quan xí nghiệp. Việc triển khai bếp ăn tập thể dựa trên 3 hình thức: Tự tổ chức nấu; liên kết ký hợp đồng với nhà cung cấp; hợp đồng đưa xuất ăn vào. Việc kiểm tra, kiểm soát giao cho Ban An toàn thực phẩm các quận, huyện giám sát, còn Chi cục chỉ kiểm tra ngẫu nhiên.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể làm 72 người mắc, không có tử vong, nguyên nhân do thực phẩm nhiễm vi sinh vật. Hà Nội vừa thành lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc suất ăn bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn trường học. Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, nhìn chung các doanh nghiệp đã có ý thức và quan tâm hơn đến bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở tại bếp ăn, còn truy xuất nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm đưa vào các bếp ăn.

Được biết, trên địa bàn Hà Nội, nhiều trường học đã thành lập Ban giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, thành lập tổ giám sát nguồn thực phẩm cung ứng cho bếp ăn gồm đại diện ban phụ huynh, hiệu trưởng, giáo viên. Tuy thành lập như trên, nhưng việc kiểm tra của cơ quan an toàn thực phẩm quận, huyện nếu không thường xuyên, hoặc lỏng lẻo, sẽ dẫn đến vi phạm và có thể xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra, đặc biệt xảy ra ở những bữa ăn đông người, như học sinh đi cắm trại hay dã ngoại,  hoặc tổ chức liên hoan tại lớp, các bà mẹ trong ban phụ huynh mang thực phẩm cho các con ăn dễ xảy ra ngộ độc. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Bữa ăn đông người khó kiểm soát vì nhiều người làm, phải chuẩn bị thực phẩm từ trước, dự trữ, bảo quản lâu nhưng lại không đúng cách, dụng cụ nhiều và nguy cơ nhiễm bẩn từ dụng cụ dễ xảy ra. Chưa kể, bàn tay người chế biến có vệ sinh sạch sẽ hay không; trong tập thể có người khoẻ mạnh, có người ốm, hoặc đi từ đâu về nhưng lại không vệ sinh tay, sờ, cầm vào thực phẩm, thậm chí ăn ngay, nên rất dễ nhiễm độc do vi khuẩn, vi sinh vật gây ngộ độc chứ không phải do chất phụ gia trong thực phẩm tạo nên”. Vì thế, theo PGS Thịnh, các phụ huynh nên tránh tự tổ chức các bữa ăn tập thể đông người vì khó kiểm soát, tính rủi ro cao.

Nhận định về vụ việc 30 học sinh, giáo viên của Trường mầm non Quảng Thịnh (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) nhập viện vào giữa tháng 9 vừa qua với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, sốt do nhiễm vi khuẩn E.coli và vi khuẩn Shigella, PGS Thịnh cho rằng, trường hợp này khả năng rất lớn là do ruồi, nhặng mang vi khuẩn E.coli bâu vào thức ăn không có lưới ngăn côn trùng, dẫn đến học sinh, giáo viên sử dụng thực phẩm nhiễm vi khuẩn E.coli và bị ngộ độc.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, các bếp ăn học đường phải tránh xa ô nhiễm chéo giữa thức ăn sống và thức ăn chín. Dụng cụ chế biến và đựng thực phẩm phải sạch, để đúng nơi quy định (không để cạnh thùng rác, nhà vệ sinh…). Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành quy chuẩn về bếp ăn tập thể, quy định về lưu mẫu thực phẩm, nên các trường học phải tuân theo, nơi nào vi phạm nếu kiểm tra phát hiện thì phải xử lý nghiêm. Những người tham gia chế biến phải được tập huấn về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, được khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo không có bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa… Các thầy cô giáo khi tổ chức ngoại khóa, tổ chức ăn uống cho các em học sinh cần đảm bảo các nguyên tắc về an toàn thực phẩm, lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, được bán ở những địa điểm có đủ giấy tờ pháp lý.

 

Nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính gây ngộ độc tại chung cư Palm Heights

Sáng 4/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm sau tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights được cho là do bánh su kem đã bị nhiễm khuẩn…

Tại buổi họp khẩn sáng cùng ngày với các chuyên gia, sau khi nghe tổ công tác báo cáo, ngành Y tế thành phố thống nhất nhận định, đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến có phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo…).

Loại thực phẩm gây ra ngộ độc trong trường hợp này khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ xúc xích nướng vànước uống cũng được dùng trong tiệc trung thu).

Về nguyên nhân gây ra ngộ độc sau ăn bánh su kem, nhiều khả năng là bánh đã bị nhiễm khuẩn, do tất cả trường hợp ngộ độc đều có có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn).

Đã có trường hợp không dự tiệc Trung thu do Ban quản lý chung cư Palm Heights tổ chức nhưng vẫn bị ngộ độc và có cùng triệu chứng sau khi ăn bánh su kem có cùng nhãn hiệu, cùng địa chỉ nơi mua bánh. Như vậy, loại trừ khả năng bánh su kem mới bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc trung thu, mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó.

Về tác nhân gây ra nhiễm khuẩn, các chuyên gia khẳng định, cần chờ kết quả phân lập vi khuẩn (đang được Viện Vệ sinh y tế công cộng TP Hồ Chí Minh xử lý).

Với kinh nghiệm hàng chục năm trong công tác cấp cứu ngộ độc hàng loạt ở trẻ em, BS Bạch Văn Cam - cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, có hai nhóm tác nhân thường gặp gây ra ngộ độc thực phẩm: Nếu các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trước 6 giờ (sau khi ăn) thì thường là do độc tố enterotoxin của vi khuẩn tụ cầu; nếu các triệu chứng xuất hiện muộn thường do cơ thể bị nhiễm khuẩn do tác nhân salmonella spp gây ra.

Hiện còn 17 trẻ đang nằm điều trị tại các bệnh viện (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Lê Văn Thịnh, Nhân dân Gia Định), sức khoẻ đều ổn định.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top