Ðảm bảo minh bạch, tránh lạm thu đầu năm học

11:10 - Thứ Bảy, 07/10/2023 Lượt xem: 5924 In bài viết

ĐBP - Các khoản thu trong cơ sở giáo dục đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm dịp đầu năm học, nhất là khi ở một số tỉnh thành “nóng” lên tình trạng lạm thu. Tại Ðiện Biên chưa ghi nhận vấn đề lạm thu nhưng các khoản thu đầu năm học cũng được chú ý. Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) chỉ đạo, triển khai nhiều nội dung, thể hiện sự kiên quyết không để xảy ra lạm thu trong trường học.

Học sinh Trường THPT Thành phố Ðiện Biên Phủ trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024.

Trường THPT Thành phố Ðiện Biên Phủ tổ chức họp phụ huynh năm học 2023 - 2024 vào ngày 23/9 vừa qua. Năm nay, ngoài các khoản theo quy định, nhà trường chỉ thu 2 khoản đóng góp thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh là nước uống cho học sinh và phí vệ sinh. Mức thu cụ thể với mỗi học sinh trong năm học là nước uống 54.000 đồng; phí vệ sinh 60.000 đồng, thấp hơn mức thu Nghị quyết số 03/2021/NQ-HÐND ngày 22/8/2021 của HÐND tỉnh “Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên”.

Cô Phạm Thị Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ðể thống nhất, tạo sự đồng thuận liên quan đến các khoản thu đầu năm học, nhà trường (qua giáo viên chủ nhiệm) cùng tất cả phụ huynh bàn bạc xây dựng dự toán theo đúng nguyên tắc thu đủ chi, đưa ra phương án thực hiện. Dựa trên ý kiến đề nghị của phụ huynh, trường lập tờ trình gửi Sở GD&ÐT. Quan điểm của Trường về triển khai các khoản thu đầu năm học là chỉ thu đúng theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên; mức thu phù hợp, chia các đợt thu để giảm gánh nặng cho phụ huynh; thực hiện việc miễn, giảm cho đối tượng học sinh diện chính sách, khó khăn, học sinh tại trung tâm bảo trợ, Làng trẻ em SOS Ðiện Biên Phủ...”.

Trường THCS Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) cũng mới tổ chức họp phụ huynh. Một phụ huynh học sinh khối lớp 6 cho biết: “Ngoài những khoản thu như các lớp khác, phụ huynh lớp con tôi có đề xuất mua thêm 2 chiếc quạt cho các con bởi phòng học ít quạt, nóng vào mùa hè. Các phụ huynh cũng cho ý kiến, cả lớp có 39 học sinh/phụ huynh chỉ có 1, 2 gia đình không đồng ý. Tuy nhiên cuối buổi họp đã thống nhất được việc mua quạt, với mức đóng góp 65.000 đồng/học sinh. Tôi thấy việc này cũng hợp lý, 2 chiếc quạt sẽ phục vụ các con học tập tốt vào mùa nóng và có thể dùng đến hết cấp”.

Một phụ huynh có con học tại Trường THCS xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) cũng chia sẻ: “Tại buổi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm thông qua các khoản đóng góp với tổng kinh phí 1.861.000 đồng mỗi học sinh, trong đó bao gồm cả học phí, bảo hiểm y tế (486.000 đồng), học thêm học kỳ I (360.000 đồng) và nhiều khoản khác”.

Ðể thu đúng quy định, minh bạch, công khai, không xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học, Sở GD&ÐT đã có văn bản hướng dẫn các khoản thu trong các cơ sở giáo dục năm học 2023 - 2024. Theo đó, thông báo cụ thể các khoản thu dịch vụ công theo quy định, gồm 4 khoản: Học phí; trông giữ xe đạp, xe máy; dạy thêm, học thêm; bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Cùng các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HÐND ngày 22/8/2021 của HÐND tỉnh, gồm 5 khoản thu dịch vụ: ăn bán trú; trông trưa; cung cấp nước uống; dọn vệ sinh; chăm sóc trẻ mầm non trong các ngày nghỉ, ngày nghỉ hè.

Ông Nguyễn Văn Ðoạt, Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết: “Với tất cả các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, các cơ sở giáo dục phải khảo sát, xây dựng giá dịch vụ theo nguyên tắc thu đủ chi phí trực tiếp, không lợi nhuận. Nội dung thỏa thuận phải được cụ thể hóa bằng văn bản và có đủ chữ ký đồng thuận của từng cha mẹ học sinh; thỏa thuận với cha mẹ học sinh theo đợt phù hợp với nội dung từng khoản thỏa thuận, không thu dồn vào đầu năm học. Các dịch vụ do cơ sở giáo dục thực hiện phải tuân thủ quy định hiện hành của Nhà nước về điều kiện tổ chức cung ứng dịch vụ và đảm bảo chất lượng dịch vụ đã thỏa thuận với cha mẹ học sinh...”.

Ðồng thời Sở chỉ đạo các phòng GD&ÐT, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDÐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ÐT, tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Năm học này, ngành cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình thanh toán học phí và các khoản thu không dùng tiền mặt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phòng tránh tình trạng lạm thu, lạm chi trong các cơ sở giáo dục... Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn nếu để xảy ra tình trạng lạm thu.

Thực tế những năm gần đây, qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng lạm thu trong các nhà trường. Mức thu của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đa số thấp hơn quy định tại Nghị quyết số 03/2021/NQ-HÐND ngày 22/8/2021 của HÐND tỉnh về các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên. Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha, mẹ học sinh được thực hiện đúng theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Ðoạt cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Sở GD&ÐT tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời chỉ đạo các phòng GD&ÐT tăng cường kiểm tra các nội dung liên quan đến các khoản thu nhằm phòng ngừa, không để xảy ra tình trạng lạm thu trên địa bàn tỉnh”.

Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top