Ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập học đường

15:27 - Thứ Tư, 18/10/2023 Lượt xem: 7140 In bài viết

ĐBP - Thuốc lá điện tử đang ngày càng đa dạng, len lỏi, trở nên phổ biến với người sử dụng ở nhiều lứa tuổi, trong đó có học sinh. Việc thuốc lá điện tử xâm nhập vào cơ sở giáo dục đã xảy ra ở nhiều địa phương cùng những hậu quả: Ngộ độc, hôn mê, rối loạn nhận thức... Tại tỉnh ta dù chưa ghi nhận những trường hợp tương tự, nhưng tiềm ẩn nguy cơ, đòi hỏi sự quan tâm tuyên truyền, giáo dục, quản lý học sinh của cả gia đình và nhà trường.

Ðoàn Trường THPT Nà Tấu lồng ghép tuyên truyền tới đoàn viên, thanh niên tác hại của thuốc lá điện tử, nhắc nhở các em tránh xa thuốc lá và những thú vui không lành mạnh.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo điều tra, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13 - 15 vào năm 2022 là 3,5% (năm 2019 là 2,6%). Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá thông thường trong nhiều năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử. Ðặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên ở nhóm tuổi 15 - 24.

Trước thực tế ấy, tháng 4/2023, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) phổ biến bộ tài liệu truyền thông, giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá mới và tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THCS. Sở GD&ÐT đã chỉ đạo phòng GD&ÐT các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá mới trong học sinh, sinh viên, học viên. Ngay từ đầu năm học 2023 - 2024, các trường đã đưa nhiệm vụ phòng chống tác hại thuốc lá vào nội dung giáo dục, hoạt động ngoài giờ cho học sinh.

Tại Trường THPT Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ), chị Ðàm Thị Thanh Thảo, Phó Bí thư Ðoàn trường cho biết: “Ðoàn thanh niên cùng với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm các lớp thường xuyên lồng ghép tuyên truyền sâu rộng về tác hại của các sản phẩm thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử cho học sinh. Ðồng thời tổ chức nhiều hoạt động đoàn, hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao lành mạnh, bổ ích, thu hút học sinh tham gia. Qua đó xây dựng môi trường học đường tích cực, không khói thuốc, bảo vệ các em trước sự tấn công của thuốc lá điện tử”. 

Các trường THCS, THPT trên địa bàn đều nhận định có nguy cơ xâm nhập của thuốc lá điện tử, nhất là khu vực thành phố, trung tâm. Thực tế, đã có tình trạng thanh, thiếu niên trong độ tuổi đến trường sử dụng thuốc lá điện tử giấu gia đình và giáo viên. Phần lớn do các em chưa nhận thức rõ tác hại của thuốc lá, tâm lý tuổi mới lớn tò mò, đua đòi, học theo bạn bè hoặc mạng xã hội... 

Thuốc lá điện tử là loại mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường, hoạt động bằng cách sử dụng thiết bị điện tử có hệ thống pin sạc làm nóng dung dịch lỏng hòa tan. Chất lỏng sau khi được đốt cháy sẽ biến thành một luồng khói có hương thơm và có chứa nicotine để người sử dụng hít vào có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật. Nhiều người vẫn lầm tưởng thuốc lá điện tử không gây hại vì không tỏa ra khói hay có chứa mùi khó chịu như hút thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của sản phẩm này không kém gì thuốc lá thông thường, nguy cơ gây viêm phổi, ảnh hưởng não và thận, bệnh tim, gây nghiện, gây rối loạn nhận thức, rối loạn cảm xúc, suy giảm khả năng học tập... Ðáng chú ý là khi các em ở độ tuổi thanh thiếu niên, do thể chất đang phát triển nên khả năng gây tác hại nhiều hơn so với người trưởng thành.

Ðể hạn chế tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh thì vai trò của gia đình rất quan trọng. Các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con nhiều hơn; dành thời gian quan tâm, lắng nghe và tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ. Từ đó chia sẻ, nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời nếu sử dụng thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng. Song hành là vai trò giáo dục của nhà trường. Ngoài trang bị kiến thức về cách phòng tránh và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện cho học sinh, nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Ðồng thời, tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích thu hút học sinh tham gia, tránh xa thuốc lá và những thú vui không lành mạnh khác...

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top